Đây là một trong các nội dung thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai trong những năm qua. Trước đó, tổng công ty đã tiến hành sáp nhập 5 chi nhánh xí nghiệp đầu máy thành 3 chi nhánh; Sáp nhập 3 ban quản lý dự án đường sắt thành 1 ban.
Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sau khi sáp nhập các đơn vị này hoạt động đã hiệu quả hơn do bộ máy nhỏ gọn lại, tinh giảm bớt lao động. Đặc biệt việc hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt tới đây sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, tăng được doanh thu, thu nhập người lao động. Quan trọng nhất là sử dụng được các cơ sở vật chất của hai công ty hiệu quả nhất.
Liên quan đến tiến trình hợp nhất hai công ty vận tải, cuối tháng 4/2024, hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Cả hai đại đội đều thống nhất thông qua phương án hợp nhất hai công ty, phương án hoạt động kinh doanh, điều lệ của công ty hợp nhất. Theo đó, tên doanh nghiệp sau hợp nhất là Công ty CP Vận tải đường sắt, tên viết tắt: VRT; vốn điều lệ hơn 1.303 tỷ đồng.
Công ty có 74 ngành nghề kinh doanh, trong đó có hai ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa đường sắt và vận tải hành khách đường sắt.
|
Ngành đường sắt đạt kết quả tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và quý I/2024. |
Năm 2023 và quý I/2024 hai công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn cho biết, đã đạt kết quả tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thực hiện được tổng doanh thu hơn 2.491 tỷ đồng, tăng trưởng 5,67% so với năm 2022; lợi nhuận đạt hơn 14 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 143%. Quý I/2024, doanh thu đạt hơn 710 tỷ (quý I/2023 hơn 630 tỷ).
Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thực hiện tổng doanh thu năm 2023 hơn 1.708,3 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% so với năm 2022; lợi nhuận đạt 10,7 tỷ đồng (năm 2022 chỉ đạt hơn 400 triệu đồng). Quý I/2024, doanh thu hơn 562 tỷ, tăng trưởng 13,4% so với cùng kỳ 2023.