Để chuẩn bị đưa vào khai thác, vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vào đầu năm 2024, ngoài 57 học viên đang được đào tạo lái tàu, công tác tuyển dụng nhân sự phục vụ tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố đang được đơn vị quản lý gấp rút triển khai.
|
Tuyến metro 1 đến nay chỉ còn hơn 5% khối lượng công việc. |
Sẵn sàng nhân sự để đi vào vận hành
Thông tin về kế hoạch chuẩn bị nhân sự vận hành tuyến metro số 1, bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC1), cho biết toàn bộ nhân sự vận hành tuyến metro số 1 gồm 377 người. Trong đó, 57 lái tàu chuẩn bị phần học thực hành trên tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Sau khi các học viên hoàn tất khóa học, các nhà thầu Nhật Bản sẽ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật công nghệ, cấp chứng nhận cho học viên. Ngoài 57 lái tàu, công ty đang tuyển dụng 19 nhân viên điều độ (phụ trách công tác giám sát và điều khiển tàu), 9 nhân sự quản lý nhà ga (phụ trách quản lý các hoạt động vận hành nhà ga an toàn, vé...) với thời gian đào tạo từ 12-13 tháng.
Cuối quý II/2023, công ty tiếp tục các đợt tuyển gồm nhân sự nhà ga 300 người (phụ trách bán vé, an toàn vận hành...); 165 nhân sự bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy toa xe, đường ray, điện, thông tin - tín hiệu, công trình, kiến trúc...
Cũng theo bà Tâm, trước đó, tháng 10/2022, công ty đã phối hợp với các chuyên gia cho 8 nhân viên tham dự khóa đào tạo "Tăng cường năng lực quản lý cho công ty vận hành và bảo dưỡng" do JICA hỗ trợ tổ chức tại Indonesia. Tiếp đó, tháng 11/2022, công ty đã cử 2 nhân sự tham dự chương trình đào tạo trực tuyến "Nâng cao công tác vận hành và tổ chức quản lý đường sắt đô thị" do JICA tài trợ… "Đây chính là những khóa đào tạo rất cần thiết nhằm hỗ trợ kỹ năng quản lý và điều hành cho nhân viên cũng như đội ngũ quản lý của công ty" - bà Tâm cho biết.
|
Khách hào hứng trên tàu chạy thử nghiệm hồi cuối năm 2022.
|
Còn chưa đầy 6% khối lượng
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR), dự án tuyến metro 1 đến nay đạt 94,21%. Chủ đầu tư và các nhà thầu, tư vấn đang đẩy nhanh tiến độ thi công những hạng mục còn lại để đưa vào vận hành, khai thác đầu năm 2024. Theo đó, phấn đấu hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị và hoàn thiện kiến trúc các nhà ga, các cầu bộ hành trên toàn tuyến; tiếp tục các bước vận hành thử nghiệm với toàn bộ các hệ thống bảo vệ và giám sát đoàn tàu (ATP, ATO, ATS) kết hợp với các hệ thống thiết bị tại các nhà ga. Ngoài ra, phối hợp với tư vấn đánh giá an toàn hệ thống để tiến hành thử nghiệm, đánh giá tính an toàn của công trình.
Đại diện MAUR cũng cho biết phương án giá vé giai đoạn đầu vận hành tuyến cũng được bổ sung, hoàn chỉnh theo yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính để đánh giá, tham mưu trình UBND TP ban hành trong thời gian tới. MAUR đề xuất giá vé từ 9.000 đến 23.000 đồng/lượt tùy theo cự ly chuyến đi; giá vé tích tiền (nộp tiền trước vào thẻ đi tàu) bằng 75% giá vé lượt. Ngoài ra, hành khách có thể chọn mua vé 1 ngày (không giới hạn lượt đi) với giá 46.000 đồng/vé và vé 3 ngày là 104.000 đồng/vé.
Để tiết kiệm, khách đi nhiều có thể chọn mua vé tháng là 320.000 đồng/tháng. Học sinh, sinh viên được giảm giá 50%, còn 160.000 đồng/tháng. Dự kiến, trẻ em dưới 6 tuổi, người già, người khuyết tật, người có công với cách mạng được đi metro miễn phí.
Trước đó, để chuẩn bị cho công tác vận hành tàu, MAUR đã tổ chức liên tục nhiều đợt chạy thử nghiệm đoạn trên cao. Đợt chạy thử nghiệm đầu tiên ngày 21-12-2022 và sau đó là đợt ngày 18-2-2023 với hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP). Sắp tới, sẽ chạy thử nghiệm vận hành tàu tự động hoàn toàn (ATO).