|
GS.TS Từ Sỹ Sùa: Du lịch chỉ là "kép phụ" của ngành đường sắt. |
GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp trường Đại học Giao thông Vận tải đã có những trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xoay quanh câu chuyện phát triển du lịch đường sắt, một vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Nỗ lực đáng ghi nhận
Thời gian qua, ngành đường sắt đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Ông đánh giá như thế nào về hướng đi mới này của ngành đường sắt?
- Đầu tiên phải khẳng định đó là những cố gắng của ngành đường sắt để thoát ra khỏi tình hình khó khăn hiện nay, trong đó có phát triển du lịch là rất đáng ghi nhận.
Trên thực tế, từ rất lâu rồi ngành đường sắt đã tham gia vào việc phát triển du lịch với vai trò là phương thức vận tải phục vụ du lịch. Ngày trước, khi đi tới những điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa ở phía Bắc hay các điểm du lịch ở miền Trung, miền Nam, tàu là phương tiện được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, sau khi đường bộ phát triển, nhiều người đã không còn mặn mà với việc đi tàu nữa mà chuyển sang đi ô tô, vì tính cơ động và nhanh chóng của phương thức vận tải này là hơn hẳn so với tàu hỏa.
Trong những năm qua, đường sắt vẫn tham gia vận chuyển khách du lịch song không còn nhiều như trước. Gần đây, đường sắt đã đẩy mạnh phát triển du lịch hơn trước và cũng thu được những kết quả tốt.
Tôi cho rằng đây là điều đáng mừng đối với ngành đường sắt. Đáng chú ý là trong chiến lược phát triển du lịch gần đây, đường sắt đã có sự kết hợp với các lĩnh vực vận tải khác như hàng không, đường bộ để tăng thêm tính kết nối, từ đó tạo thêm sự thuận cho khách du lịch.
Chính sự kết hợp này giúp cả đường sắt, đường bộ và hàng không có sự bù trừ cho nhau, hạn chế điểm yếu và phát huy được điểm mạnh của từng lĩnh vực. Đây là hướng đi đúng nên tiếp tục phát triển.
Một trong những dịch vụ mới đang được ngành đường sắt triển khai trong chiến lược phát triển du lịch đường sắt là khai thác hạ tầng đường sắt để trở thành các sản phẩm du lịch đặc biệt. Ông có đánh giá gì về cách làm này?
- Đường sắt mà làm du lịch theo hướng này thì tôi có biết. Điển hình là tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát dài 7km, đã được sử dụng để phục vụ khách du lịch từ lâu.
Theo tôi được biết, tuyến đường sắt này thuộc đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt và là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới, được khởi công năm 1908, hoàn thành năm 1932.
Tuyến đường sắt này phù hợp để làm sản phẩm du lịch bởi hai yếu tố, thứ nhất là độc đáo và thứ hai là cự ly ngắn. Du khách đi tàu có thể vừa được vãn cảnh, vừa được trải nghiệm cảm giác xưa cũ của đường sắt thời xa xưa.
Tôi cho rằng việc đưa tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát vào làm sản phẩm du lịch là phù hợp. Và những tuyến khác, nếu muốn trở thành sản phẩm du lịch cũng phải đảm bảo được hai yếu tố mà tuyến đường sắt này có, đó là cự ly ngắn và độc đáo.
|
Du lịch trải nghiệm đường sắt chỉ có thể áp dụng trên những tuyến có cự ly ngắn và đi qua nhiều điểm du lịch. |
Du lịch chỉ là phụ trợ
Vậy theo ông, phát triển du lịch đường sắt có thể trở thành một hướng đi chiến lược và chủ đạo của ngành đường sắt trong tương lai không?
- Chắc chắn là không. Tôi có thể khẳng định luôn như vậy. Đầu tiên, chúng ta phải nhớ rằng đường sắt cũng là một phương thức vận tải, phát triển đường sắt là để phục vụ cho nhu cầu đi lại hoặc chuyên chở hàng hóa chứ không phải để làm du lịch.
Nếu sử dụng hạ tầng đường sắt để làm sản phẩm du lịch cũng chỉ là một phân khúc nhỏ.
Thêm nữa, việc đường sắt tham gia vào du lịch cũng có nhiều hạn chế so với các loại hình vận tải khác. Từ việc thiếu cơ động, thiếu linh hoạt, tầm phủ sóng ít. Điều này thua xa đường bộ và hàng không nên ngay cả khi chỉ phát triển du lịch theo hướng tham gia vào vận chuyển du khách thì đường sắt cũng thua kém so với đường bộ và hàng không rồi.
Như tôi nói ở trên, chỉ một số tuyến như tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát mới phù hợp để làm sản phẩm du lịch vì cự ly ngắn và độc đáo. Không ai ngồi trên tàu đi cả ngàn cây số chỉ để trải nghiệm cả. Hoặc tuyến đương sắt đó phải đi qua những điểm du lịch tập trung để du khách có thể trải nghiệm mới có sức hút.
Bởi vậy, đường sắt phát triển du lịch dù đang cho thấy hiệu quả nhưng chắc chắn chỉ là phụ, không thể là hướng đi chính được. Du lịch bằng đường sắt chỉ nên xem là dịch vụ kết hợp thôi.
Như ông nói ở trên, chức năng quan trọng nhất của đường sắt vẫn là vận tải. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng đường sắt đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi để đầu tư nâng cấp hay xây tuyến mới đều rất tốn kém. Vậy đâu là hướng đi đúng nhất của ngành đường sắt trong thời gian tới, thưa ông?
- Hạ tầng đường sắt xuống cấp là điều quá rõ ràng, ai cũng biết. Để nâng cấp hạ tầng đường sắt, cần một khoản đầu tư khổng lồ.
Tôi cho rằng, với những vấn đề hiện tại của ngành đường sắt, ngoài việc đầu tư đường sắt tốc độ cao, ngành đường sắt phải đổi mới về tư duy, phương thức phục vụ, không chờ đợi khách hàng tìm đến mà phải chủ động thu hút khách hàng, linh hoạt trong điều hành hoạt động kinh doanh, tạo thuận lợi từ kho đến kho, tăng cường kết nối, trong đó việc kết nối các phương thức vận tải là quan trọng nhất.
Điều đó có nghĩa là đường sắt sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Ngay cả muốn phát triển du lịch như một lĩnh vực phụ trợ, ngành đường sắt cũng phải đổi mới nhiều, nhất là chất lượng dịch vụ. Có thế thì đường sắt mới có thể phát triển bền vững được.
Có ý kiến cho rằng, sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hoàn thành, tuyến đường sắt hiện hữu có thể sử dụng để làm sản phẩm du lịch. Ông nghĩ sao về ý tưởng này?
- Cái này còn tùy thuộc vào việc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được đầu tư theo phương thức nào. Nếu chỉ để chở người thì tuyến đường sắt hiện hữu phải được sử dụng để chở hàng hóa chứ không thể đem ra làm sản phẩm du lịch được.
Còn trong trường hợp đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dùng công nghệ tích hợp vừa chở khách vừa chở hàng hóa thì việc đem tuyến đường sắt hiện hữu ra làm sản phẩm du lịch cũng phải xem xét thật kỹ.
Như tôi nói ở trên, chỉ những đoạn tuyến có cự ly ngắn, đi qua nhiều điểm du lịch tập trung và có sự độc đáo thì mới phù hợp đem làm sản phẩm du lịch. Còn nếu để bảo du khách ngồi lên chuyến tàu Thống Nhất đi hàng ngàn cây số từ Bắc vào Nam chỉ để trải nghiệm sẽ chẳng ai làm đâu.
Xin cảm ơn ông!