Ông Trương Văn Đông, Giám đốc Công ty CP Cảng Thuận An cho biết, trước đây luồng vào cảng luôn bị bồi lấp, thường xuyên ở ngưỡng 3m chưa đáp ứng được nhu cầu của tàu lớn vào cảng. Sau khi tổ chức chỉnh trị cửa biển, luồng cảng đã ổn định hơn.
Công ty có kế hoạch nạo vét luồng đạt độ sâu phù hợp cho các tàu có tải trọng đến 3.000 tấn ra vào. Hàng năm, từ nguồn vốn sự nghiệp duy tu luồng lạch thường xuyên, Bộ GTVT cũng đã có kế hoạch nạo vét luồng Thuận An với cốt luồng sau nạo vét đạt 4,5m.
Từ năm 2018, UBND tỉnh bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của Dự án kè chống sạt lỡ và chỉnh trị luồng Thuận An. Đến 2021, khi phân kỳ 2 của giai đoạn 2 đối với mũi kè phía Nam hoàn thành (tổng chiều dài gần 250m đê kè), độ sâu và hướng tuyến luồng Thuận An ngày càng ổn định hơn. Tuyến đê đã giúp chỉnh trị của biển, giảm sự bồi lấp cho luồng tuyến cảng Thuận An.
|
Cảng Thuận An. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế |
Hiện nay, phân kỳ 3 của Dự án kè chống sạt lỡ và chỉnh trị luồng Thuận An triển khai sắp hoàn thành với khoảng 150m đê kè được xây dựng tiếp nối mũi kè phía Nam. Trong thời gian tới, độ sâu và hướng tuyến luồng Thuận An sẽ ngày càng tiếp tục ổn định hơn nữa.
Công ty cũng sẵn sàng các phương án đầu tư từ công cụ thiết bị đến hạ tầng bến cảng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu xếp dỡ các phương tiện tàu hàng lớn hơn (trên 3.000 tấn), khi luồng ra vào cảng ổn định ở độ sâu phù hợp.
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam có buổi làm việc với tỉnh về công tác quản lý hạ tầng, vận tải, quy hoạch và đầu tư phát triển cảng biển. UBND tỉnh cũng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Thuận An theo tiến độ đã được phê duyệt.