Bác sĩ khẳng định, không nên lo lắng việc ăn hoa quả bị phạt nồng độ cồn

 
Chia sẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên: Nồng độ cồn trong các loại thực phẩm đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn. Luật hoàn toàn đúng về mặt khoa học. Trường hợp sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol; nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông.

Bac si khang dinh, khong nen lo lang viec an hoa qua bi phat nong do con - Hinh anh 1
Nồng độ cồn trong các loại thực phẩm đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn

Có nhiều thực phẩm làm tăng nồng độ cồn

Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, quy định này cũng khiến nhiều người lo lắng về việc không uống rượu bia, nhưng nồng độ cồn vẫn cao do sử dụng một số loại hoa quả (như vải, nho, dứa..), thậm chí là thuốc (như siro ho..), dẫn đến nguy cơ bị xử “oan” nếu phải kiểm tra nồng độ cồn.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trên thực tế có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể: “Một số ít trường hợp sử dụng đồ uống, thức ăn, thuốc là có một chút ethanol.Về thức ăn thì có sô cô la, hoặc các thức ăn có nguồn gốc tinh bột, đường (hoa quả), nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài có thể lên men. Thuốc thì có xiro cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng…”

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, người dân không nên quá lo lắng bởi quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay là rất chính xác, rất khó để xảy ra trường hợp “xử oan”. Ngoài ra, nồng độ cồn trong các loại thực phẩm này đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn. Luật hoàn toàn đúng về mặt khoa học. Còn về trường hợp người dân có sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol thì lưu ý nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông.”

Hãy chủ động tránh xa rượu, bia nếu không muốn bị phạt

Bac si khang dinh, khong nen lo lang viec an hoa qua bi phat nong do con - Hinh anh 2
Ảnh minh họa

Trao đổi về ảnh hưởng của việc sử dụng rượu bia đối với người điều khiển phương tiện, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều có ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn.

Đặc biệt, người sử dụng rượu bia không nên chủ quan bởi không thể xác định sau bao lâu thì mới không còn nồng độ cồn trong máu, để tránh bị xử phạt khi lực lượng chức năng kiểm tra.

“Thời gian để không còn nồng độ cồn trong máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như lượng rượu uống, nồng độ rượu, uống khi đói, uống liên tục trong thời gian dài, hoặc phụ thuộc tình trạng bệnh lý của người sử dụng. Thậm chí có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn", bác sĩ Nguyễn nhấn mạnh thêm.

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân không nên sử dụng rượu bia. Trường hợp sử dụng rượu bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, cố gắng hạn chế tối đa số lần uống rượu, cũng như lượng rượu mỗi lần sử dụng./.

Theo Nghị định số 100/2019/CP-NĐ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP), các hành vi vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt rất nặng.

Cụ thể, với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn sẽ phạt tiền tối đa từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.

Người điều khiển xe môtô bị phạt tối đa tới 8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Riêng với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền cao nhất là 600.000đ.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h