Liên quan đến sự việc bé trai Lê Hoàng L. (HS lớp 1, trường Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên 9 tiếng trên xe ôtô, cơ quan công an đã xác định chiếc xe có BKS 29B-069.56.
Chủ xe là Doãn Quý Phiến (trú ở tổ 10 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) là lái xe hợp đồng của trường Gateway.
Được biết, xe khách BKS 29B-069.56 là loại xe 16 chỗ ngồi, nhãn hiệu Ford Transit, được sản xuất và đăng ký năm 2014.
|
Chiếc ô tô chở cháu bé 6 tuổi trường Gateway |
Phương tiện được kiểm định gần nhất ngày 18/4/2019 còn thời hạn kiểm định đến 17/10/2019. Chiếc xe trên không đăng ký kinh doanh vận tải.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, một lái xe hợp đồng lâu năm cho biết, để xảy ra vụ việc, lỗi không chỉ ở lái xe mà còn từ phía nhà trường.
“Từ khi tiếp nhận các cháu học sinh cho đến khi kết thúc chuyến đi lái xe phải kiểm tra xem các cháu đã xuống xe an toàn hết chưa, có để quên đồ đạc gì không, bởi buổi sáng các cháu bé đi học còn buồn ngủ, dễ ngủ quên trên xe.
Ngoài ra, người tiếp nhận học sinh thấy thiếu thì phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên phải trao đổi thông tin vì sao hôm nay con không đi học. Nếu thực hiện đúng quy trình đó sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc”, tài xế Nam cho biết.
Cũng theo anh Nam, với những xe chở học sinh phải được trang bị những thiết bị báo động tình huống nguy hiểm trên xe để tránh xảy ra sự việc đau lòng.
|
Xe đưa đón học sinh trường Gateway |
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết: “Nghị định 86 quy định phải có quy trình quản lý an toàn trong hoạt động vận tải. Do vậy, khi kết thúc hành trình, lái xe phải kiểm tra khách. Đặc biệt hành khách là học sinh thì quy trình kiểm tra phải chặt chẽ hơn”.
Cần quy chuẩn riêng
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, các nước trên thế giới có quy chuẩn riêng quản lý phương tiện chở học sinh. Tại Mỹ, xe ô tô chở học sinh là xe ưu tiên, có gắn biển hiệu, có đèn ưu tiên và được đi vào làn đường ưu tiên…
Trên xe chở học sinh được lắp thiết bị cảm biến cảnh báo hoạt động trên xe. Đặc biệt trên xe có nút bấm ở đằng sau ghế cuối cùng của xe. Khi xe dừng hoạt động, lái xe phải có trách nhiệm đi xuống tận ghế cuối của xe và bấm nút để thông báo kết thúc hành trình, tất cả học sinh đã xuống xe an toàn”, ông Long nói.
Ngoài ra tại một số nước còn có các quy chuẩn của cửa lên xuống, các nút báo hiệu vận tốc nguy hiểm.
Trưởng phòng vận tải cho hay, hiện nay ở Việt Nam mới áp dụng một số quy chuẩn với xe khách, xe buýt nhưng lại chưa có quy chuẩn đối với xe chở học sinh. Ông kiến nghị Bộ GTVT cần nghiên cứu đưa ra quy chuẩn riêng đối với xe chở học sinh để đảm bảo an toàn.
Ngay khi vụ việc xảy ra, Uỷ ban ATGT quốc gia đã chỉ đạo khẩn, yêu cầu Bộ GTVT rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông và sức khoẻ cho hành khách là trẻ em trên các phương tiện vận tải. Nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để đưa đón học sinh từ bậc mầm non đến THCS.