|
Kinh doanh cà phê, phát triển du lịch nhưng phải thượng tôn pháp luật (Ảnh: Quý Nguyễn) |
Liên quan đến phố “cà phê đường tàu” ở TP Hà Nội, vừa qua đại biểu Quốc hội Lê Bình Nhưỡng đã có phiếu chuyển đơn kiến nghị ý kiến nghị của các hộ dân liên quan đến việc kinh doanh cà phê đường tàu.
Phải thượng tôn pháp luật
Theo nội dung đơn kiến nghị của tập thể cư dân xóm đường tàu thì hầu hết hộ dân trong khu phố này đều từng là cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt, được cơ quan phân đất sinh sống tại đây hơn 50 năm, trước khi có các quy định liên quan về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Do đó, khi Nghị định số 39/CP ngàv 5/7/1996 của Chính phủ, Luật Đường sắt 2005, Luật Đường sắt 2017, đối chiếu với quy định của luật pháp thì nơi sinh sống cùa các hộ dân này, hầu hết vi phạm hành lang ATGT đường sắt.
Trả lời về ý kiến của tập thể cư dân xóm đường tàu, Bộ GTVT khẳng định luôn ủng hộ các hộ dân kinh doanh phát triển du lịch và bảo đảm đời sống người dân. Tuy nhiên, việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo trật tự an ninh, an toàn cho du khách, an toàn chạy tàu theo đúng qui định của pháp luật
Cùng với việc khẳng định quan điểm “nói không” với “cà phê đường tàu” vi phạm hành lang ATGT đường sắt, Bộ GTVT cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội.
Về phía ngành, Bộ GTVT khẳng định sẽ chỉ đạo Cục Đường sẳt VN tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt. Trong đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tình trạng mất ATGT, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt.
Bên cạnh đó, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt VN làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương các quận, phường nơi có đường sắt đi qua để thực hiện giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt.
Riêng Cục Đường sắt Việt Nam được giao nhiệm vụ chủ động phối hợp với UBND cấp quận, phường, đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội để nghiên cứu bố trí khu vực hợp lý ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để tạo điều kiện đời sống, kinh doanh của các hộ dân trong khu vực và đảm bảo ATGT đường sắt theo quy định.
Đặc biệt, cần triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo TTATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.
Cần giải pháp đồng bộ, lâu dài
Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội có các biện pháp xử lý, giải tỏa dứt điểm các điểm vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt từ phía các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc theo đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt đã và đang gây diễn biến phức tạp về ATGT đường sắt.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng cần chủ trì phối hợp với UBND các cấp xây dựng phương án và thực hiện cắm mốc giới đất dành cho đường sắt; tổ chức bàn giao cho UBND các phường quản lý mốc giới đất dành cho đường sắt theo quy định của pháp luật.
Đối với TP Hà Nội, Bộ GTVT đề nghị chủ trì kế hoạch giải tỏa các công trình vi phạm trong hành lang an toàn đường sắt và xử lý các hành vi vi phạm. Thực hiện việc di dời tái định cư cho nguời dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có liên quan; Đồng thời phối hợp với Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN nghiên cứu bố trí khu vực hợp lý ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để tạo điều kiện kinh doanh cho các hộ dân trong khu vực và đảm bảo ATGT đường sắt theo quy định.
Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND cấp quận, phường phối hợp với đơn vị quản lý trực tiếp tuyến đường sắt khu vực thành phố Hà Nội để tổ chức rà soát, thống kê và phân loại các công trình vi phạm, gây ảnh hưởng đến an toàn đường sắt. Đồng thời, công bố công khai các mốc chỉ giới bảo vệ hành lang an toàn đường sắt đã được phê duyệt cho người dân trong địa bàn biết.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm việc bảo đảm ATGT đường sắt; Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác trực chốt, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trật tự ATGT, hành lang an toàn đường sắt tại khu vực trên.
Về giải pháp lâu dài, Bộ GTVT tiếp tục rà soát, đề xuất Chính phủ, Quốc hội bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm ATGT đường sắt cho phù hợp; đề xuất với Chính phủ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ATGT đường sắt.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 994 ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.