Bỏ trốn khi gây tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt thế nào?

HỒNG MINH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau khi gây tai nạn giao thông, một số tài xế có tâm lý hoặc hành vi sẽ bỏ trốn. Hành vi bỏ trốn sau khi gây ra tai nạn sẽ bị xử phạt ra sao?

Bo tron khi gay tai nan giao thong se bi xu phat the nao? - Hinh anh 1
Người điều khiển ô tô gây tai nạn rồi bỏ trốn sẽ bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng. 

Trách nhiệm của người điều khiển khi xảy ra tai nạn

Theo Khoản 1 Điều 38 của Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông phải có trách nhiệm như sau:

Sau khi xảy ra hoặc gây tai nạn giao thông, những người liên quan phải dừng ngay phương tiện, đồng thời giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và có mặt ngay khi cơ quan thẩm quyền yêu cầu.

Phải có mặt tại nơi xảy ra tai nạn cho tới khi cơ quan công an đến. Trong trường hợp người điều khiển cũng bị thương hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu thì sau đó phải đến trình báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất.

Có trách nhiệm cung cấp những thông tin chính xác về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Bỏ trốn ngay sau khi gây tai nạn giao thông bị xử phạt như thế nào?

Khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông với mục đích trốn tránh trách nhiệm là hành bị nghiêm cấm. Với hành vi này, lái xe sẽ bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ mức độ vụ việc. 

Mức xử phạt vi phạm hành chính khi gây tai nạn giao thông nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị xử phạt theo điểm b Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

Với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô: Phạt tiền từ 16.000.000 vnđ – 18.000.000 vnđ, bị trước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.

Với người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô (bao gồm cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe gắn máy và xe mô tô: Phạt tiền từ 6.000.000 vnđ – 8.000.000 vnđ, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong khoảng thời gian từ 3-5 tháng.

Với người điều khiển xe máy chuyên dụng hoặc xe kéo: Phạt tiền từ 10.000.000 vnđ – 12.000.000 vnđ, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật về giao thông đường bộ (đối với tài xế điều khiển xe máy chuyên dụng) từ 5 đến 7 tháng.

Với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, người điều khiển xe thô sơ: Phạt tiền từ 400.000 vnđ – 600.000 vnđ.

Truy cứu trách nhiệm hình sự: Căn cứ Khoản 2 Điều 260 bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông bỏ trốn thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể mức xử phạt hình sự như sau:

Phạt 3 đến 10 năm tù khi:

Làm chết 2 người.

Làm thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 2 người trở lên và tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 122% – 200%.

Thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 vnđ đến 1.500.000.000 vnđ.

Phạt 7 đến 15 năm tù khi:

Số người tử vong là 3 người trở lên.

Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 3 người trở lên và tổng tỷ lệ tổn thương là 201% trở lên.

Thiệt hại về tài sản là 1.500.000.000 vnđ trở lên.

Bên cạnh đó, những trường hợp gây tai nạn giao thông bỏ trốn có nhiều tình tiết tăng nặng và hậu quả để lại nghiêm trọng thì người gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cao hơn. Do đó, ngay sau khi gây ra tai nạn thương tích, người thực hiện hành vi này cần khắc phục hậu quả và đến cơ quan có thẩm quyền trình báo sớm nhất để được giảm nhẹ hình phạt.

Tin liên quan