Các đô thị lớn đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Các TP lớn như Paris, London và Bắc Kinh đang đẩy mạnh hạn chế xe cá nhân, ưu tiên giao thông công cộng và phương tiện xanh nhằm hướng tới đô thị bền vững, thân thiện môi trường.

Paris hạn chế xe cá nhân vì môi trường và con người

Paris (Pháp) đang từng bước chuyển mình thành đô thị xanh, bền vững và thân thiện với con người. Trước áp lực biến đổi khí hậu và ô nhiễm, chính quyền TP dưới sự dẫn dắt của Thị trưởng Anne Hidalgo đã quyết liệt hạn chế xe cơ giới, đặc biệt là xe cá nhân chạy xăng, diesel và SUV, đồng thời đầu tư mạnh vào hạ tầng xe đạp và giao thông công cộng.

Từ ngày 4/11/2024, Paris cấm phần lớn xe cơ giới vào các quận trung tâm (1, 2, 3 và 4) - khu vực có nhiều công trình biểu tượng như Bảo tàng Louvre hay khu phố Marais. Chỉ xe buýt, taxi, xe cư dân hoặc người làm việc tại đây mới được phép lưu thông. Chính quyền TP khẳng định mục tiêu là “giành lại không gian công cộng” và nâng cao chất lượng sống đô thị.

Lệnh cấm xe cơ giới là một phần trong chiến lược dài hạn của Paris. Từ năm 2025, TP sẽ cấm các xe mang nhãn Crit’Air 3 (xăng trước 2006, diesel trước 2011) trong toàn bộ khu vực bên trong Vành đai A86, ảnh hưởng đến hơn 1,8 triệu phương tiện. Cùng với đó, phí đỗ xe SUV cỡ lớn cũng được tăng mạnh, lên tới 225 euro, nhằm khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện nhỏ hơn và ít gây ô nhiễm.

Trong khi xe cá nhân bị hạn chế, Paris lại dành ưu tiên lớn cho giao thông bền vững. TP đã đầu tư hơn 250 triệu euro cho Kế hoạch xe đạp giai đoạn 2021 - 2026, nâng tổng chiều dài làn xe đạp lên hơn 1.000km, bao gồm 180km tuyến đường mới, 52km làn “coronapistes” cố định (các làn xe đạp tạm thời được dựng lên trong đại dịch Covid-19 và nay đã được nâng cấp thành hạ tầng lâu dài), cùng nhiều làn hai chiều an toàn. Tính riêng trong năm 2022 - 2023, lượng người đi xe đạp tăng tới 71%, cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong thói quen di chuyển của người dân.

Cac do thi lon day manh phat trien giao thong cong cong - Hinh anh 1

Paris đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế xe cá nhân. Ảnh: Esgnews

Song song với đó là sự phát triển của các bãi đỗ xe đạp an toàn, hệ thống Vélib (xe đạp công cộng) với hơn 360.000 người đăng ký, và các chương trình đào tạo như “Savoir rouler à vélo” dành cho học sinh tiểu học. Chính quyền cũng xây dựng các điểm sửa xe tự phục vụ, hỗ trợ DN hậu cần bằng xe đạp, đồng thời cải thiện an toàn tại các giao lộ và triển khai "làn sóng xanh" giúp xe đạp, xe buýt di chuyển thuận lợi hơn.

London hướng tới đô thị bền vững

London (Vương quốc Anh) đang đẩy mạnh chiến lược hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông kéo dài nhiều thập kỷ qua. Một trong những biện pháp trọng tâm được triển khai là mở rộng Khu vực Phát thải cực thấp (ULEZ), hiện bao phủ toàn bộ London từ tháng 8/2023. Tất cả phương tiện không đạt chuẩn khí thải phải trả phí khi lưu thông, với mức phí được duy trì ở mức cao nhằm tạo sức ép chuyển đổi sang xe sạch hơn. Nhờ đó, số lượng xe không đạt chuẩn lưu thông mỗi ngày đã giảm gần 60%, và nồng độ NO₂ đã giảm đáng kể tại nhiều quận.

Không dừng lại ở đó, từ cuối năm 2025, London sẽ chính thức chấm dứt chính sách miễn phí phí tắc nghẽn đối với xe điện và xe không phát thải. Mọi phương tiện, dù chạy điện hay hydro, đều sẽ phải trả mức phí 15 bảng khi vào trung tâm TP. Chính quyền London lý giải đây là bước đi nhằm duy trì sự công bằng trong tiếp cận không gian đô thị, đồng thời thúc đẩy sử dụng phương tiện công cộng thay vì chỉ ưu tiên chuyển đổi loại hình phương tiện.

Bên cạnh các chính sách quản lý lưu thông, nhiều khu vực nội đô cũng áp dụng phụ phí đỗ xe theo mức phát thải của phương tiện. Tại một số quận như Lambeth, mức phí đỗ xe đã tăng đến 400% kể từ năm 2023, động thái khiến người dân có thu nhập thấp hoặc lao động thiết yếu như giáo viên, y tá gặp không ít khó khăn.

Dù gây nhiều tranh luận, các chính sách này đang cho thấy hiệu quả tích cực. Theo dữ liệu mới nhất của chính quyền TP, chất lượng không khí tại London đang được cải thiện rõ rệt, đặc biệt tại các tuyến đường đông đúc và khu vực từng bị ô nhiễm nặng. Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết, các biện pháp hạn chế xe cá nhân đã giúp toàn bộ cư dân thủ đô hít thở không khí sạch hơn.

Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng chính quyền cần điều chỉnh chính sách để tránh tác động quá lớn đến nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Hiệp hội Ô tô Anh (AA) cảnh báo các khoản phụ phí mới có thể làm giảm sức sống của các khu thương mại trung tâm và làm gia tăng gánh nặng cho người lao động.

Trong bối cảnh này, chính quyền London đang hướng đến một mô hình cân bằng hơn, kết hợp hạn chế xe cá nhân với đầu tư mạnh cho xe buýt, đường sắt và các hình thức giao thông xanh khác. Dù con đường vẫn còn nhiều thách thức, TP này đã và đang trở thành hình mẫu về một đô thị quyết liệt thay đổi để bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Bắc Kinh định hình thói quen giao thông xanh

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã triển khai một trong những chính sách giao thông độc đáo và quyết liệt nhất: xổ số biển số xe. Chính sách này, bắt đầu từ năm 2011, giới hạn nghiêm ngặt số lượng biển số ô tô mới được cấp mỗi tháng và phân bổ chúng theo hình thức rút thăm ngẫu nhiên. Đến nay, đây vẫn là một trong những biện pháp kiểm soát quyền sở hữu xe cá nhân triệt để nhất trong các đô thị lớn toàn cầu.

Cùng với việc giảm đáng kể số lượng xe cá nhân mới, chính sách này đã dẫn đến một hiện tượng ít được chú ý nhưng có tác động lâu dài: hình thành thói quen không sử dụng ô tô. Một nghiên cứu mới công bố cho thấy, những người tham gia xổ số phải chờ đợi trung bình tới 26 tháng để trúng thưởng, và trong khoảng thời gian đó, họ đã dần quen với việc sử dụng phương tiện công cộng hoặc các phương thức di chuyển thay thế. Kết quả khảo sát cho thấy khả năng chuyển sang lái xe của những người trúng thưởng sau thời gian chờ đợi dài đã giảm 16%.

Sự thay đổi hành vi này không chỉ mang tính cá nhân mà còn đem lại hiệu quả môi trường và xã hội đáng kể. Nghiên cứu ước tính chính sách đã giúp giảm hơn 8 triệu kilomet lưu thông mỗi năm và cắt giảm khoảng 2.000 tấn CO₂ mỗi năm. Điều này cho thấy, ngoài hiệu ứng tức thời về giao thông, chính sách xổ số còn định hình lại cấu trúc đi lại của đô thị theo hướng bền vững hơn.

PGS.TS Yang Xue, chuyên gia về kinh tế giao thông đô thị tại Trung Quốc, nhận định: “Điểm đặc biệt của Bắc Kinh là chính sách không chỉ hạn chế quyền sở hữu xe, mà còn tạo ra thời gian đủ dài để cá nhân thay đổi thói quen. Đây là một bài học quan trọng - hạn chế phương tiện không nhất thiết phải đối đầu với nhu cầu cá nhân, mà có thể thông qua sự thích nghi dần dần và tự nhiên”.

Song song với đó, Bắc Kinh tiếp tục đầu tư lớn vào hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt điện, đồng thời mở rộng các làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ. Chính quyền đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng trong giờ cao điểm và khuyến khích các phương thức di chuyển xanh.

Tùng Lâm

Tin liên quan