Thực ra, việc dung nạp, chuyển hóa và đào thải chất cồn trong rượu bia của cơ thể không có mức chung tuyệt đối cho mọi người mà phụ thuộc số lượng rượu, bia uống ít hay nhiều, trọng lượng cơ thể và các điểm sinh học, chức năng gan, tình trạng sức khoẻ, uống lúc no hay đói, tần xuất, cách thức uống (cấp tập hay nhâm nhi)...
Thông thường, sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đvc tương đương 220ml bia (2/3 chai) nồng độ cồn 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để đào thải hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1 - 2 giờ nữa.
Ngược lại, đối với những người có chức năng gan suy yếu hoặc những người có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì việc đào thải cồn sẽ lâu hơn. Còn nếu uống nhiều, uống cấp tập, thậm chí cả két bia, cả chai rượu thì lúc đó không thể xác định được chính xác nồng độ cồn nếu không xét nghiệm máu. Khi đó lượng rượu bia gan không dung nạp và chuyển hoá được sẽ thành chất độc ngấm vào máu và cơ thể.
Các bạn có thể tham khảo cách tính nồng độ cồn bằng công thức:
Nồng độ cồn trong máu: C = 1,056*A:(10W*R)=
Trong đó, A là số đvc uống vào, W là cân nặng, R là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính (r = 0,7 với nam và r = 0,6 với nữ).
Nồng độ cồn trong khí thở: B=C:210
Tốc độ đào thải nồng độ cồn trong máu: T=C:0,015
Ví dụ: Một nam giới 65kg uống 440ml bia 5% cồn tương đương 2 đơn vị cồn thì nồng độ cồn trong máu là C= 1,056*20:(10*65*0,7)= 0,04641 và tương đương 46,41mg/100ml máu.
Nồng độ cồn trong khí thở: B=C:210= 46,41:210=0,22mg/lít khí thở.
Tốc độ đào thải nồng độ cồn trong máu: T=C:0,015=0,04641:0,015=3 giờ.
Tốt nhất là không nên uống hoặc hạn chế uống. Nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày và không quá 5 ngày/tuần. Bởi vì không ai trả lời được chính xác sau uống bao lâu có thể lái xe. Các công thức tính nồng độ cồn trong máu chỉ có giá trị tham khảo để một người có thể quyết định uống hay không, tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là cân nhắc khi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống.
Ăn một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, thuốc có dung môi cồn khi ăn, uống vào có nồng độ cồn trong máu liệu có bị phạt?
Đây không phải là vấn đề mới vì quy định người lái ô tô không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở đã có từ Luật Giao thông đường bộ 2009 và đến nay thực hiện vẫn bình thường, chưa có phản ánh nào về việc cảnh sát phạt lái xe có độ cồn do ăn các loại thực phẩm này.
Trong thực tế thì hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm này rất thấp, tuỳ thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Thông thường sau khi ăn mọi người chỉ cần uống nước lọc, xúc miệng và sau khoảng 15 - 30 phút thì sẽ không còn nồng độ cồn. Không phải cứ ăn xong ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt. Việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi bạn có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choáng, phóng nhanh, vượt ẩu, khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt hoặc khi bạn phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu, bia thôi. Việc ăn hoa quả, thực phẩm cũng không toả ra hơi cồn như sử dụng rượu bia dù đứng gần nên cũng khó biết được. Do đó, mọi người không nên lo ngại.
Cuối cùng, rất mong những thắc mắc, băn khoăn mấy ngày nay về vấn đề này sẽ dừng lại. Mọi người không nên chỉ tập trung vào việc làm sao để uống và không bị xử phạt mà quên và làm nhẹ đi những mục tiêu tốt đẹp của Luật là cảnh báo tác hại của rượu, bia và giảm sử dụng rượu, bia để giảm bệnh tật, tử vong và hệ luỵ xã hội, kinh tế do rượu, bia gây ra, nâng cao ý thức của mọi người để sử dụng rượu, bia một cách văn minh, ít nguy cơ nhất.