Cần minh bạch, chính xác trong thống kê số liệu tai nạn giao thông

 
Chia sẻ

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định thống kê về tai nạn giao thông (TNGT).

Theo quy định hiện hành, Bộ Công an được giao thống kê về TNGT trên cả nước, số liệu được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và các đơn vị sử dụng tham mưu chính sách cho Chính phủ. Vì thế, thống kê bảo đảm chính xác, sát thực tế là căn cứ rất quan trọng trong hoạch định chính sách về ATGT, từ đó có giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi TNGT.

Can minh bach, chinh xac trong thong ke so lieu tai nan giao thong - Hinh anh 1
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường bộ.

“Vênh” nhau quá lớn

Theo thống kê từ Ủy ban ATGT quốc gia, trong 11 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 15.885 vụ TNGT, làm chết 6.975 người, bị thương 12.144 người. So cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 935 vụ (giảm 5,56%), số người chết giảm 520 người (giảm 6,94%), số người bị thương giảm 962 người (giảm 7,34%). Nếu theo dõi các số liệu thống kê định kỳ nhiều năm qua, có thể thấy cơ bản cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và người bị thương đều giảm xuống. Phải khẳng định, sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương trong việc ngăn chặn, giảm thiểu TNGT những năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực, các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần chuyển biến nhận thức của một bộ phận lớn người tham gia giao thông.

Tuy nhiên theo đánh giá của một số đại biểu Quốc hội, số liệu báo cáo về tình hình ATGT của các địa phương, bộ, ngành chưa thật sự tiệm cận thực tế, thậm chí có ý kiến cho rằng, một số nơi xảy ra tình trạng “giấu” số liệu TNGT, do sợ bị phê bình, khiển trách. Tại kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV) tháng 6 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm, nêu số liệu thống kê TNGT cả nước năm 2018 của Bộ Công an hơn 8.000 người chết, song Bộ Y tế đưa ra con số hơn 15.000 người. Ngành y tế thống kê các vụ nhập viện, số người chết vì TNGT thường “vênh” nhau khá xa, thậm chí cao gấp nhiều lần so thống kê của Bộ Công an.

Theo quy định của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), thống kê TNGT bắt đầu tính từ ngày 16 tháng này đến ngày 15 tháng kế tiếp. Còn ở bệnh viện, các bệnh nhân gặp tai nạn được tiếp nhận tại phòng khám cấp cứu, được khai thác nguyên nhân, xác định loại tai nạn gì, cho nên số liệu đầu vào của nạn nhân TNGT tại bệnh viện khá chính xác. Sự chênh lệch về số liệu xảy ra có thể do một nạn nhân bị TNGT chuyển qua nhiều tuyến bệnh viện khác nhau, khi thống kê các cấp bệnh viện trên toàn quốc, gây hiện tượng trùng lặp. Mặt khác, khi xảy ra TNGT, chỉ khi các cơ quan chức năng can thiệp, lập biên bản xử lý mới thống kê, trong khi thực tế có nhiều trường hợp các bên gây TNGT thương lượng, hòa giải không nhờ công an can thiệp, nạn nhân tự vào bệnh viện cấp cứu.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, số liệu TNGT từ Bộ Công an là số liệu chính thức, các số liệu của các nguồn khác chỉ mang tính tham khảo. Về chênh lệch số liệu thống kê giữa các cơ quan, đại diện Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, nguyên nhân do cách định nghĩa về TNGT mỗi cơ quan khác nhau, đơn cử, TNGT xảy ra giữa hai xe khách (mỗi xe chở 40 người), CSGT sẽ thống kê là một vụ TNGT, trong khi nếu 80 người trên hai xe này nhập viện, bệnh viện sẽ thống kê thành 80 vụ. Ngoài ra, có tình trạng nạn nhân đánh nhau bị thương tích nhưng khai bị TNGT để tránh phiền phức và được điều trị ngay, trong khi các bác sĩ không có trách nhiệm kiểm chứng những lời khai như vậy. Đó là chưa kể một số trường hợp thương tích quá nặng xin về nhà chờ chết, cả CSGT và ngành y tế đều không thể thống kê được.

Sửa đổi quy định để thống kê chính xác

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ATGT, các số liệu thống kê TNGT và phân tích nguyên nhân TNGT là căn cứ hết sức quan trọng để chỉ đạo điều hành và hoạch định chính sách về ATGT. Nếu những số liệu này đầy đủ, kịp thời và chính xác, hiệu quả bảo đảm trật tự ATGT sẽ được cải thiện rất nhiều. Còn ngược lại, số liệu không chính xác, chưa đầy đủ, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo đảm ATGT từ cấp vĩ mô cho đến cấp vi mô tổ chức thực hiện. Hiện nay, sự khác biệt về số liệu TNGT giữa CSGT và ngành y tế không chỉ xảy ra ở nước ta mà cũng là vấn đề ở nhiều nước trên thế giới.

Khi định nghĩa về TNGT thay đổi, có thể dẫn tới số người chết và bị thương do TNGT lớn hơn, do vậy, biện pháp hành động cũng như các nguồn lực huy động để giảm các tiêu chí lớn hơn, thậm chí phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách và cách huy động nguồn lực nhằm nâng cao ATGT. Tại các quốc gia phát triển và một số nước khu vực như Thái-lan, In-đô-nê-xi-a gần đây đã tích hợp và kiểm tra, xác minh dữ liệu của cả CSGT, y tế, bảo hiểm,... khi đó số liệu TNGT tăng lên 30 đến 40%, sau đó trở nên ổn định, được các chuyên gia đánh giá là phản ánh khá sát thực tế.

Ở Đức có sẵn một hướng dẫn quy định, CSGT và bệnh viện sử dụng chung một biểu mẫu, hai bộ dữ liệu thống kê của hai cơ quan chức năng có sự tích hợp, bảo đảm tính đồng nhất. Mỗi bệnh nhân khi nhập viện khai vào một biểu mẫu, khi chuyển tuyến, hồ sơ bệnh án cũng chuyển theo, không xảy ra tình trạng thiếu sự liên kết dữ liệu, một bệnh nhân tính thành hai. Chính vì thế, để bảo đảm tính thống nhất trong số liệu về TNGT, Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu, hoàn thiện quy định thống kê và phân tích TNGT theo thông lệ quốc tế. Cục CSGT đang phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi quy định về thống kê TNGT, khi có số liệu thống nhất, chắc chắn các cơ quan quản lý sẽ hoạch định, đưa ra chính sách về ATGT phù hợp thực tiễn.

Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn, số liệu thống kê TNGT thời gian qua chưa thực chất có nguyên nhân do việc giao chỉ tiêu giảm TNGT hằng năm cho các địa phương và kiến nghị bỏ việc giao chỉ tiêu này. Lâu nay, số liệu thống kê về TNGT là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT từng địa phương, để mỗi nơi nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tuyên truyền giáo dục, đầu tư kết cấu hạ tầng tốt và tổ chức giao thông phù hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Vì thế, vẫn cần giao chỉ tiêu giảm TNGT cho mỗi địa phương nhưng nên cụ thể, dựa trên các yếu tố về mật độ dân số, số km đường, đầu phương tiện,… có chỉ tiêu phù hợp.

Thống kê không chính xác về TNGT là bất cập lớn, sẽ đưa ra “bức tranh” sai thực tế, khiến cho việc đánh giá về mức độ nghiêm trọng của TNGT giảm đi, các biện pháp ngăn ngừa TNGT vì thế cũng thiếu sự quyết liệt như cần phải có. Vì thế, cần nhanh chóng có cách tính chính xác, chuẩn hóa định nghĩa theo quốc tế, xác định rõ các điều kiện để thống kê đầy đủ hơn. Những con số thống kê về TNGT là tư liệu cần thiết phản ánh công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tính chính xác của các con số thống kê này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của đơn vị thống kê mà qua đó đánh giá được hiệu quả của giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi TNGT đang triển khai.

Theo báo Nhân dân

Tin liên quan