|
Bị can Trần Thùy Anh đã sử dụng chứng minh nhân dân của 3 người khác có những điểm tương đồng về khuôn mặt của mình để mở 7 tài khoản ngân hàng. |
Thủ đoạn làm giả giấy tờ, “nhái” chữ ký
Ngày 20/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 6 đối tượng gồm: Lê Thị Phi Nga (SN 1971, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Ngô Thị Ngọc Lan (SN 1994, cùng trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội), Nguyễn Trung Kiên (SN 1981, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), Trần Quốc Cường (SN 1995, trú tại tỉnh Thái Bình), Trần Thùy Anh (SN 1993, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Lê Thị Liên Hương (SN 1972, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra, khoảng tháng 6/2021, Nga, Kiên thu thập thông tin tài khoản cá nhân của người khác trên các trang ghi lô đề, cá độ bóng đá. Từ các thông tin này, Lan sử dụng các mối quan hệ xã hội lấy được thông tin về CCCD, CMND, số điện thoại và chữ ký chính chủ sử dụng giao dịch tại ngân hàng của các cá nhân nói trên (hiện thông tin này đang tiếp tục được điều tra làm rõ).
Tiếp đó, các đối tượng làm giả CCCD, CMND rồi mang đến đại lý của nhà mạng viễn thông báo mất số điện thoại và yêu cầu cấp lại số điện thoại mà tài khoản chính chủ đang dùng. Khi đã có số điện thoại của chính chủ kèm CCCD, CMND, các đối tượng đến ngân hàng hoặc sử dụng ứng dụng ngân hàng trực tuyến yêu cầu cấp lại mật khẩu nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của chính chủ để chuyển tiền tới các tài khoản giả mạo khác.
Ngoài ra, Cường, Thùy Anh học theo các chữ ký mẫu, trực tiếp mang CMND, CCCD giả ra ngân hàng rút tiền. Số tiền chiếm đoạt được Nga chia cho Thùy Anh, Cường mỗi người 2%, các đối tượng khác được chia đều số tiền còn lại.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng tạm giữ 800 triệu đồng, 19 điện thoại di động các loại, 23 CMND, CCCD (nghi làm giả), 5 sim điện thoại các loại, 3 thẻ ngân hàng, 2 mẫu dấu công ty, 2 bìa ghi số tài khoản ngân hàng, 1 quyển sổ dùng để tập ký các chữ ký khác nhau… Bước đầu xác định nhóm này đã làm giả tài khoản cá nhân của hơn 10 bị hại chiếm đoạt số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Không những qua mặt được các ngân hàng, các đối tượng còn làm giả chứng minh nhân dân dán ảnh mình nhưng tên của người khác để lừa các nhà mạng viễn thông. Mục đích là lấy được sim điện thoại của những tài khoản chiếm đoạt được để chiếm quyền truy cập Internet Banking.
Bị can Nguyễn Trung Kiên khai: "Khi xin cấp lại sim chỉ cần đưa chứng minh nhân dân trùng thông tin trên hệ thống là được cấp lại sim. Số điện thoại mà người ta sử dụng ở các tài khoản đấy thường là sim rác không dùng đến, chỉ nhận OTP thôi thì mình xin cấp lại số điện thoại đó, khi có tin nhắn báo về thì nó sẽ hiển thị số tiền".
|
Bị can Lê Thị Phi Nga và đồng phạm cùng tang vật vụ án. |
Nâng cao công tác bảo mật thông tin khách hàng
Thượng tá Nguyễn Hữu Bình đánh giá, vụ việc này cho thấy đây là một phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới, các đối tượng phạm tội đã lợi dụng kẽ hở trong công tác bảo mật thông tin khách hàng của các ngân hàng, nhà mạng cũng như lợi dụng dịch bệnh COVID-19... để thực hiện hành vi phạm tội. Thời điểm này, tất cả mọi người khi ra khỏi nhà bắt buộc phải đeo khẩu trang nên phía ngân hàng, nhà mạng không thể kiểm soát chặt chẽ việc nhận diện khách hàng khi đến giao dịch. Do đó, các đối tượng không quá khó khăn trong việc sử dụng giấy CMND, CCCD giả để mở tài khoản hoặc rút tiền trong tài khoản.
Ngoài ra, số đối tượng đã có thời gian làm về lĩnh vực môi giới cho vay tài chính hoặc làm việc tại ngân hàng nên lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản. Cảnh báo về thủ đoạn này, Thượng tá Nguyễn Hữu Bình đề nghị, ngân hàng, nhà mạng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về phương thức thủ hoạt động phạm tội này để người dân cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, không cho thuê, mở thuê hoặc sử dụng thông tin giả mở tài khoản rồi đi rút tiền, tiếp tay cho các đối tượng phạm tội.
Các ngân hàng, nhà mạng phải nâng cao, tăng cường công tác bảo mật thông tin khách hàng, có các giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc mở, đăng ký dịch vụ tài khoản ngân hàng, việc đăng ký, kích hoạt sử dụng thuê bao điện thoại. Chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ, nhân viên về kỹ năng phòng chống tội phạm trong lĩnh vực có liên quan.
Thống kê trong 1 năm tính từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021 đã có hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, trong đó gần một nửa là lừa đảo qua mạng. Tội phạm mạng giờ đây không chỉ lừa người dân để sử dụng tài khoản không chính chủ mà nghiêm trọng hơn còn lừa cả ngân hàng để sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội. |