Theo kế hoạch chuyên đề, các đơn vị cảnh sát giao thông được giao làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện thành lập Tổ công tác để thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch này trên tuyến, địa bàn được giao; tập trung các tuyến giao thông chính trong đô thị, cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy...
Trọng tâm của đợt ra quân là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác; đánh giá thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Trong đó, tập trung vào đối tượng xe mô tô, ô tô con, ôtô chở khách, ô tô tải, xe vận tải container, xe ôtô kéo rơ- moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc.
Khi kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở, cảnh sát giao thông phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác sử dụng thiết bị.
Bộ Công an yêu cầu các đơn vị sử dụng camera đã được trang bị, nhất là camera mini để ghi nhận lại hoạt động trong ca công tác. Các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật; kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy....