Cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và bụi mịn ở Hà Nội

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nêu ra hai vấn đề gây ra ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm nhất hiện nay là ùn tắc giao thông và bụi mịn, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí.

Đây là vấn đề được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT về một số nội dung lớn liên quan đến công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra cuối tuần qua.

Cap bach giai quyet un tac giao thong va bui min o Ha Noi  - Hinh anh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hải 

Tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt đạt 30%

 Theo Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, từ năm 2015 đến nay, TP Hà Nội đã ban hành 1 chương trình, 2 nghị quyết, 8 kế hoạch, 10 quyết định, 2 đề án và 2 chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt (ngoại thành 89%, nội thành 100%), chất thải y tế đạt 100%); đã xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành.

Cùng đó, TP đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 296.700m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh; 100% khu công nghiệp, 60,5% cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải. Từ tháng 12/2016, Hà Nội đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí của TP; triển khai 19 giải pháp tổng thể để khắc phục, giảm nồng độ bụi phát sinh.

Trước thực tế vẫn còn những khó khăn, Hà Nội kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường bảo đảm đồng bộ với các Luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… TP cũng kiến nghị, đề xuất với Bộ TN&MT sớm ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí…

Huy động sức mạnh cộng đồng để bảo vệ môi trường

Lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đánh giá cao sự chủ động của Hà Nội khi tổ chức làm việc chuyên đề về công tác quản lý tài nguyên, môi trường. Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhận định, Hà Nội là một đô thị lớn với tốc độ đô thị hóa nhanh và chỉ cần nhìn vào Hà Nội là biết được chính sách Nhà nước đang gặp vấn đề vướng mắc gì. 

Qua nắm bắt thực tế, Bộ TN&MT thấy môi trường Hà Nội đang phải đối mặt với các vấn đề về chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, xử lý nước thải và chất lượng không khí. Đồng thời, có nhiều vấn đề quản lý đất đai cần phải giải quyết. “Đây là hạn chế, bất cập nhưng tôi cho rằng cũng lại là cơ hội để Hà Nội có sự bứt phá trong việc đưa ra những quyết sách phù hợp để giải quyết. Trong vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, tôi cho rằng chúng ta đang thiếu tính chủ động. Vì vậy, Hà Nội cần huy động được sức mạnh tập thể của cả cộng đồng để bảo vệ môi trường” – Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Đối với vấn đề quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị, Hà Nội cần quan tâm đến cán bộ quản lý đất đai từ cấp phường xã và tránh sự nhũng nhiễu, buông lỏng quản lý để việc thực hiện việc quản lý, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, mỗi vấn đề đặt ra liên quan đến môi trường, đất đai trên địa bàn TP đều cần phải phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình, rõ hiệu quả trong quá trình giải quyết. Trên cơ sở đó phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn TP.

Nêu ra hai vấn đề gây ra ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm nhất hiện nay là ùn tắc giao thông và bụi mịn, Bí thư Thành ủy yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND TP thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí và phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 phải tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng không khí.

Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường của Hà Nội thời gian tới, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, Ban Cán sự Đảng UBND TP tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải. Phải bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung và yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Còn về quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, Ban Cán sự Đảng UBND TP sớm hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính; tăng cường thanh tra, xử lý kịp thời vi phạm, xử lý dứt điểm các vi phạm đã có kết luận; đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ...

Trần Long – Thương Huế

Tin liên quan