Chấn chỉnh công tác thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong quá trình kiểm tra Cơ quan thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã chỉ ra một số tồn tại liên quan đến quản lý chất lượng thi công, thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật tại dự án thành phần 1, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Cơ quan thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vừa kiểm tra hiện trường dự án thành phần 1, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài gần 118km với tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 dài 31,5km có tổng mức đầu tư 5.333 tỷ đồng đi qua tỉnh Khánh Hoà do Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và giao thông tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư kết nối với dự án thành phần 2 (do Ban QLDA 6- Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư) và dự án thành phần 3 (do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư).

Chan chinh cong tac thi cong du an cao toc Khanh Hoa - Buon Ma Thuot - Hinh anh 1
 Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài gần 118km với tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần.

Trong quá trình kiểm tra hiện trường dự án, Cơ quan thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Cơ quan thường trực Hội đồng) đã chỉ ra một số tồn tại liên quan đến quản lý chất lượng thi công, thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật.

Các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là chủ đầu tư, được yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, đảm bảo chất lượng công trình.

Hiện nay, chủ đầu tư và các nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Cơ quan thường trực Hội đồng yêu cầu tư vấn giám sát và nhà thầu tăng cường kiểm soát thi công nền đường đắp, bảo đảm đúng tiêu chuẩn về thành phần hạt, chiều dày lớp đắp, độ bằng phẳng và độ ẩm tối ưu của vật liệu.

Đặc biệt, cần rà soát lại công nghệ thi công lớp móng cấp phối đá dăm, bê tông nhựa để đảm bảo độ đồng đều thành phần hạt, hạn chế hiện tượng tập trung hạt lớn ở mép vệt rải. Nhà thầu cũng phải huy động đầy đủ thiết bị phù hợp với biện pháp thi công đã được duyệt. Những khu vực chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật phải được kiểm tra, khoanh vùng và xử lý triệt để.

Ngoài ra, Cơ quan thường trực Hội đồng yêu cầu tăng cường kiểm soát an toàn lao động, vệ sinh công trường và bổ sung đầy đủ biển báo tại các điểm giao cắt với đường dân sinh.

Theo báo cáo của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và giao thông tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư dự án thành phần 1), hiện dự án đang tập trung vào các hạng mục đào, đắp nền đường, thi công móng cấp phối đá dăm, đá dăm gia cố xi măng, bê tông nhựa R25; xây dựng hệ thống thoát nước, hầm giao thông dân sinh, cọc, mố, trụ và dầm cầu. Khối lượng thi công toàn dự án đạt gần 40% so với thiết kế.

Gói xây lắp số một (Km0 - Km22) do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công từ tháng 6/2023 đã hoàn thành hơn 52% khối lượng hợp đồng.

Gói số hai (Km22 - Km32) do Liên danh Phương Nam - Bắc Trung Nam - 168 Việt Nam thực hiện từ tháng 8/2023 đến nay đạt trên 28%.

Gói số ba (xây dựng hai cầu tại Km30 và Cửa Đông do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm) hiện đang thi công cọc khoan nhồi, đạt 6,63% khối lượng kể từ tháng 11/2024.

Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ tuyến chính cơ bản đã hoàn tất. Tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao thực tế đạt gần 97% theo chiều dài tuyến. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11 điểm chưa được bàn giao.

                                                               Ngọc Linh 

Tin liên quan