Cỗ máy triển khai Vành đai 4 chạy hết tốc lực

NGỌC HẢI
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang đảm bảo tốt các mốc tiến độ theo đúng kế hoạch, rốt ráo chuẩn bị cho việc khởi công vào giữa năm 2023.

Cắm xong toàn bộ mốc chỉ giới

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn đi qua Hà Nội dài 58,2km, với nhiều nút giao với các tuyến đường đô thị, đường trục chính liên tỉnh…

Co may trien khai Vanh dai 4 chay het toc luc - Hinh anh 1
 Phối cảnh tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết đến nay, dự án đã hoàn thành công tác phê duyệt, cắm mốc chỉ giới đường đỏ toàn bộ 58,2km trên địa bàn TP.

Đồng thời Hà Nội cũng đã phê duyệt điều chỉnh xong chỉ giới đường đỏ đoạn qua đê Song Phương theo ý kiến của Bộ NN&PTNT và hoàn thành công tác xác nhận, điều chỉnh để tổ chức công tác cắm mốc theo chỉ giới được duyệt.

Đối với nội dung điều chỉnh chỉ giới đường đỏ tại nút giao QL6 - Vành đai 4 (bổ sung thiết kế nút hoa thị hoàn chỉnh), hiện Ban QLDA, đơn vị tư vấn và Viện Quy hoạch Xây dựng đã hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ.

Bên cạnh đó, Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1.1, gửi tham vấn cộng đồng và liên hệ làm việc với 40/40 xã liên quan. Ban QLDA đề nghị tổ chức họp tham vấn cấp xã, phường tập trung tại trụ sở quận, huyện để rút ngắn thời gian tham vấn.

Hiện đã hoàn thành tham vấn của huyện Sóc Sơn (2 xã), quận Hà Đông (3 phường), huyện Mê Linh (5 xã). Dự kiến tham vấn các huyện, xã còn lại xong trước ngày 8/1; hoàn thiện báo cáo và trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt trước ngày 11/1 tới.

Đối với công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), Ban QLDA cùng đơn vị tư vấn đã tổng hợp, hoàn thành BCNCKT dự án thành phần 1.1, trình Sở GTVT cùng các đơn vị, địa phương liên quan thẩm định. Đến nay đã có 11/15 Sở, ngành, quận, huyện có ý kiến thẩm định, còn lại 4 đơn vị chưa có ý kiến là: Sở Kế hoạch & Đầu tư; Sở Xây dựng; huyện Đan Phượng, huyện Thanh Oai.

Mặt khác, Ban QLDA và đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án thành phần 2.1. Đến nay đã có văn bản kết quả tham vấn trên cổng thông tin Bộ TN&MT. Đã gửi tham vấn 7 quận, huyện trên địa bàn TP và 6 quận, huyện đã có văn bản trả lời, còn lại huyện Đan Phượng.

Ban QLDA cũng đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2.1, 14/15 Sở, ngành, quận, huyện liên quan đã có ý kiến thẩm định, còn lại huyện Thường Tín chưa có ý kiến bằng văn bản và đã có kế hoạch hoàn thành sớm.

Ngoài ra, song song quá trình thẩm định dự án, Ban QLDA cũng đã lấy ý kiến thỏa thuận với Bộ GTVT để xem xét, thống nhất phương án giao cắt của tuyến đường song hành đường Vành đai 4 trên địa bàn TP Hà Nội với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại nút giao QL1A.

Để đảm bảo đồng bộ dự án trên các địa bàn đi qua, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các Bộ: KH&ĐT; Xây dựng; GTVT; NN&PTNT; TN&MT; UBND hai tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh về việc lấy ý kiến thẩm định dự án thành phần 2.1.

Viện Quy hoạch Xây dựng đã giới thiệu, cung cấp thông số hạ tầng kỹ thuật cho dự án được 3/5 đoạn. Cụ thể: đoạn từ QL18 cầu cầu Hồng Hà; đoạn từ QL1A - cầu Mễ Sở; đoạn từ QL6 - QL1A.

BCNCKT dự án thành phần 3 cũng đã được Sở GTVT Hà Nội thẩm định, đề xuất UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT thành lập hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 1 này.

Rốt ráo giải phóng mặt bằng

Theo số liệu cập nhật về giải phóng mặt bằng (GPMB) từ các địa phương, tổng diện tích thu hồi đất phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại Hà Nội là 794,74ha; nhu cầu tái định cư là 1.006 hộ; cần di dời khoảng 13.786 ngôi mộ, 43 cột điện cao thế.

Co may trien khai Vanh dai 4 chay het toc luc - Hinh anh 2
 Tuyến đường Vành đai 4 sẽ có cả cao tốc trên cao và đường dưới thấp.

Hiện nay các quận, huyện đã lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư và đã thành lập Hội đồng GPMB, tái định cư và Tổ công tác; đang kiểm đếm và dự thảo phương án và xây dựng kế hoạch triển khai phấn đấu hoàn thành 70% khối lượng GPMB vào tháng 6/2023, hoàn thành công tác GPMB trong năm 2023.

Ông Nguyễn Chí Cường cho biết, một trong những khâu khó khăn nhất là di chuyển mồ mả đang đạt kết quả rất khả quan. Các địa phương đã di chuyển được 3.694 ngôi mộ.

Ngoài ra, đã phê duyệt phương án bồi thường được 104,14/846,739ha đất trong phạm vi dự án. Số tiền phê duyệt cho các phương án GPMB đạt 1.769,2 tỷ đồng,

Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, từ nay đến Tết nguyên đán 2023, các đơn vị, địa phương sẽ nỗ lực Hoàn thành phê duyệt điều chỉnh chỉ giới đường đỏ nút giao QL6 - Vành đai 4; trình Bộ TN&MT báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án thành phần 1.1; thẩm định, phê duyệt BCNCKT các dự án thành phần: 1.1, 2.1, 3

Một vấn đề khác rất quan trọng đối với dự án là chuẩn bị nguồn vật liệu và bãi đổ thải. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy dự án sẽ cần: 1,358 triệu m3 đất đắp bao; 1,395 triệu m3 đất đắp nền; 9,275 triệu m3 cát đắp; 8,70 triệu m3 cát xây dựng; 2,621 triệu m3 cấp phối đá dăm; 3,347 triệu m3 đá xây dựng. Dự kiến sẽ có :1,12 triệu m3 vật liệu đổ đi, đất đào tầng; 1,97 triệu m3 đất đào nền đổ đi; 0,271 triệu m3 chất thải rắn xây dựng.

Theo điều tra của đơn vị tư vấn và thông tin từ các tỉnh, TP, cả Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đều không được quy hoạch mỏ đất đắp, san lấp. Tuy nhiên đã có một số mỏ đất được đưa vào danh sách nghiên cứu như: mỏ thôn Khánh Chúc Bãi, xã Khánh Thượng và mỏ thôn Quy Mông, xã Phú Sơn thuộc huyện Ba Vì; 3 điểm mỏ tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn.

Một số mỏ đất khác cũng đã được khảo sát như: mỏ Công ty MĐ Việt Nam, Quốc Kỳ (tỉnh Bắc Giang); mỏ Núi Choẹt (tỉnh Thái Nguyên); mỏ Thiên Lộc (tỉnh Hòa Bình). Ông Nguyễn Chí Cường cho biết: “Các mỏ nêu trên được phân bố tương đối đều trên tuyến của dự án, thuận lợi cho việc khai thác”.

Đối với vật liệu cát đắp nền, theo điều tra của đơn vị tư vấn, tại tỉnh Bắc Ninh, TP Hà Nội có một số mỏ đủ đáp ứng nhu cầu Dự án, tuy nhiên công suất khai thác thấp. Với cát xây dựng, nếu khai thác tại các bãi ven Sông Hồng, Sông Đuống, Sông Đà, Sông Lô... và cát xay nhân tạo thì khả năng đáp ứng cho dự án là hoàn toàn khả thi.

Với nguồn vật liệu đá xây dựng, tổng nhu cầu toàn dự án ước khoảng 5,968 triệu m3, hiện đã khảo sát được trữ lượng khoảng 8,852 triệu m3 tại Hòa Bình, Hà Nam, Hà Nội... Tương tự, tổng nhu cầu đổ thải toàn dự án là 3,117 triệu m3 và hiện cũng khảo sát, chuẩn bị các bãi đổ với trữ lượng là 8,85 triệu m3, đáp ứng khối lượng của dự án.  

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, công tác triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được triển khai rất quyết liệt, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, tranh thủ được sự ủng hộ của người dân. Nếu duy trì tốt nhịp độ như hiện tại sẽ đáp ứng tiến độ từng khâu, đảm bảo được các mốc quan trọng của dự án.

Tin liên quan