Theo đó, đối với trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại hiện trường sẽ lấy thông tin người vi phạm, sau đó người vi phạm có thể sử dụng dịch vụ công để nộp phạt trực tuyến.
Hình thức này giúp cho người dân được thuận tiện hơn khi thực hiện nộp phạt, sống ở đâu thực hiện nộp phạt ở đó mà không phải đến tận nơi vi phạm. Đến nay, việc tuyên truyền, hướng dẫn về trình tự, thủ tục nộp phạt trực tuyến vẫn đang được các đội trực thuộc Phòng CSGT thực hiện song song với nhiệm vụ đảm bảo trật tự, ATGT.
|
CSGT TP Hà Nội áp dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực xử lý hành chính. |
Sáng 4/3, theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi trên tuyến đường Cienco 5 (quận Hà Đông), các cán bộ, chiến sỹ thuộc tổ công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 10 – Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định về Luật Giao thông đường bộ của người dân. Qua đó, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đối với việc triển khai nộp phạt trực tuyến, tổ công tác đã in ra giấy, khoanh tuần tự quá trình khai báo, thao tác nộp phạt trên cổng Dịch vụ công Quốc gia và phát cho người vi phạm.
|
Cán bộ tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 10 thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ nộp phạt trực tuyến. |
|
Các thao tác trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được in ra giấy để phát cho người vi phạm. |
|
Chốt kiểm soát của tổ công tác Đội CSGT số 10. |
Sau khi nghe cán bộ tổ công tác tuyên truyền, chị Đặng Thị Phương (quận Hà Đông) cho biết, việc hướng dẫn một cách trực quan bằng bản in giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ và tự thực hiện được ở nhà. “Tôi rất hài lòng về thái độ của cán bộ CSGT khi tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của việc nộp phạt của Cổng dịch vụ Quốc gia”, chị Đặng Thị Phương nói.
Tương tự, anh Nguyễn Tiến Thành (quận Hà Đông) vui vẻ cung cấp Căn cước công dân, số điện thoại để tổ công tác ghi vào biên bản và cho biết sẽ thực hiện nộp phạt trực tuyến.
Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, Đại Uý Vương Thu Thảo, cán bộ Tổ hành chính đội CSGT số 10 cho biết, từ ngày 1/3, đối với các biên bản xử phạt vi phạm, Tổ hành chính sẽ tiếp nhận biên bản và nhập lên cổng dịch vụ hành chính công. Quy trình xử lý bằng dịch vụ hành chính công đem lại nhiều lợi ích, người vi phạm sẽ không phải đến nộp phạt tại trụ sở, người dân không mất nhiều thời gian đi lại.
|
Biên bản xử lý vi phạm được cán bộ hành chính cập nhật lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. |
|
Với việc áp dụng công nghệ, người dân sẽ giảm nhiều thời gian, công sức đi lại. |
Trước đó, thông thường để xử lý một lỗi vi phạm nếu bị giữ bằng lái, giấy tờ xe, người dân được hẹn ngày đến trụ sở công an làm việc, tiếp đến ra kho bạc nộp tiền, rồi trở lại trụ sở công an làm việc - nhận giấy hẹn. Đến hết thời gian hẹn, người vi phạm lại đến trụ sở công an nhận lại giấy tờ bị tạm giữ. Người vi phạm mất ít nhất 4 lần đi lại. Nhưng với hình thức xử phạt theo cấp công nghệ số, người dân không phải đi lại một lần nào, chỉ việc ngồi ở nhà tra cứu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt.
Để người dân thực hiện được hình thức nộp phạt trên, Phòng CSGT Hà Nội hướng dẫn người vi phạm cần đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng DVCQG tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html, sau đó thực hiện 9 bước theo hướng dẫn.
Bước 1: CSGT nhập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm, hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt VPHC, số quyết định này thực hiện theo quy định của Chính phủ và sẽ là số duy nhất để người vi phạm có thể truy cập, tra cứu thông tin vi phạm của mình.
Bước 2: Các nội dung được trích xuất từ quyết định xử phạt đưa lên Cổng DVCQG bao gồm: số quyết định xử phạt VPHC; tên cơ quan ra quyết định xử phạt; thông tin của người vi phạm (họ tên, số giấy phép lái xe, số điện thoại do người vi phạm cung cấp, số tiền nộp phạt); Kho bạc (ngân hàng) thu tiền xử phạt; hành vi vi phạm; thời gian vi phạm; địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt bổ sung (thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
Bước 3: Thông tin về quyết định xử phạt do Cơ quan CSGT cung cấp sẽ được Cổng DVCQG chuyển đến người vi phạm qua tin nhắn điện thoại (do người vi phạm cung cấp).
Bước 4: Kho bạc nhà nước (Ngân hàng) sẽ kết nối với Cổng DVCQG để tiến hành thủ tục nộp phạt cho người vi phạm, đồng thời phản hồi lại thông tin đã hoàn thành việc nộp phạt về Cổng DVCQG.
Bước 5: Bưu điện sẽ kết nối với Cổng DVCQG để thực hiện việc chuyển phát giấy tờ do cơ quan CSGT đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký để nhận tại nhà sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bước 6: Thông qua Cổng DVCQG người vi phạm có thể hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan CSGT đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bước 7: Cổng DVCQG phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ tại nhà do cơ quan CSGT đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt về Cục CSGT (C08).
Bước 8: C08 phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt về các điểm xử lý vi phạm của Công an địa phương.
Bước 9: Cơ quan CSGT qua dịch vụ bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký qua Cổng DVCQG để nhận lại. |