|
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Chi |
Những hạt nhân giữ gìn trật tự ATGT
Từ năm 2005 đến nay, cựu chiến binh Nguyễn Huy Chi (trú tại xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) luôn tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ cảnh giới đường ngang dân sinh qua đường sắt trên địa bàn. Dù nắng hay mưa, đông hay hè, cứ sắp đến giờ tàu chạy qua là ông lại có mặt tại điểm chốt để cảnh báo cho người dân và các phương tiên tham gia giao thông qua đây. Cũng không ít lần, ông Chi cứu giúp những người đi đường thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Là một thương binh hạng 4 và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tính đến nay, 14 năm liên tục người cựu chiến binh này vẫn đều đặn túc trực tại đường ngang dân sinh cảnh báo người dân. Ông chia sẻ không sợ vất vả, điều mà khiến ông sợ nhất là người tham gia giao thông cố vượt đường ray khi tàu sắp đến.
Dù ở tuổi 80, cựu chiến binh Nguyễn Huy Chi vẫn ngày ngày bám chốt gác tàu và chưa có ý định nghỉ ngơi bởi ông luôn coi tính mạng con người là trên hết, luôn trăn trở khi chứng kiến đoạn đường sắt dân sinh đầu thôn thường xuyên xảy ra tai nạn. Ghi nhận công lao của cựu chiến binh Nguyễn Huy Chi, hai năm liên tiếp 2017 và 2018, ông được Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia khen thưởng.
Cũng như cựu chiến binh Nguyễn Huy Chi, mặc dù không được phân công hay nhờ vả nhưng trong suốt 17 năm qua, tấm gương người cựu chiến binh Phạm Ngọc Chiêng “cõng” loa đi tuyên truyền về chính sách pháp luật, ATGT tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến nhiều người nể phục. “Nhà đài di động” hay “hiệp sỹ giao thông” là cái tên mà những người dân nơi đây đặt cho ông.
Từ thực tế, ông Chiêng nhận thấy có rất nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước không đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, bản thân lại từng chứng kiến nhiều vụ TNGT thương tâm khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Sau đó, ông quyết định làm “nhà đài di động” bằng xe máy đi tới những nơi mà việc tuyên truyền còn hạn chế.
Những bài tuyên truyền của ông là những điều luật, quy định mới hay các khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT, an ninh xã hội. Khi cập nhật được những thông tin trên, ông tự đọc như “phát thanh viên” sau đó ghi âm lại rồi phát lên loa. Cứ thế, mỗi chuyến ông đi khoảng 20 - 30 cây số. Mặc dù tuổi cao, công việc vất vả, đi lại nhiều nhưng cựu chiến binh Phạm Ngọc Chiêng vẫn luôn lạc quan, vui vẻ và tâm huyết với công việc tuyên truyền ATGT của mình.
Nhiều mô hình hiệu quả
|
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Chiêng |
Những năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia vận động trên 3 triệu hội viên tích cực tham gia giữ gìn trật tự ATGT. Các tỉnh hội, thành hội đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu như: “Đoạn đường tuyến phố cựu chiến binh tự quản”, “Bến đò, cầu phao cựu chiến binh an toàn kiểu mẫu”, “Đội tình nguyện hướng dẫn ATGT”.
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2019, các tổ tự quản ATGT, tổ cứu hộ, cứu nạn của nhiều tỉnh hội, thành hội đã được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nền nếp; các đoạn đường cựu chiến binh tự quản luôn duy trì được tình trạng đường thông, hè thoáng, sáng, xanh, sạch, đẹp. Điển hình như Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An có 3.935 tổ tự quản “Đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp, ATGT”; Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang có 240 tuyến đường cựu chiến binh tự quản; Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa có 522 “Tổ cựu chiến binh cứu hộ, cứu nạn ATGT”, 6 bến đò, cầu phao an toàn kiểu mẫu do cựu chiến binh làm chủ; Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước có 345 đoạn đường, dài hơn 500km do cựu chiến binh tự quản; Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai có 187 tổ tự quản trật tự ATGT với 832 cán bộ, hội viên tham gia... Đồng thời, nhiều nội dung, biện pháp tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên cựu chiến binh và nhân dân chấp hành nghiêmpháp luật về trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông được triển khai cụ thể, thiết thực.
Không dừng lại ở đó, từ nay đến năm 2023, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tiếp tục ký kết và thực hiện cuộc vận động giữ gìn trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông, trong đó sẽ thực hiện giảm mỗi năm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn và giảm cả 3 tiêu chí; phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông; tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật rộng rãi đến từng khu dân cư, hộ gia đình, người dân về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, nguy cơ gây tai nạn do lái xe sử dụng rượu bia; các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới; tuyên truyền ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; vận động người đi đò tự mặc áo phao.