Các đoàn tàu được kiểm định từ tháng 9/2018. Việc cấp giấy chứng nhận kiểm định tạm thời cho các đoàn tàu nhằm phục vụ công tác vận hành thử hệ thống.
Giấy chứng nhận kiểm định chính thức sẽ được cấp sau khi kết thúc vận hành thử và được tổ chức đánh giá độc lập về an toàn đường sắt đô thị cấp giấy chứng nhận an toàn cho hệ thống đường sắt này. Tuy vậy, do tổng thầu chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết nên công tác vận hành thử chưa diễn ra như kế hoạch.
Trước đó, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, dự án đã hoàn thành khối lượng xây dựng và đang trong quá trình nghiệm thu từng phần.
Để vận hành dự án, tổng thầu phải hoàn thiện đề cương, cũng như thực hiện vận hành thử toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống và phục vụ nghiệm thu toàn bộ dự án.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, việc đánh giá an toàn hệ thống do tư vấn độc lập (Liên danh Apave-Certifier-Tricc) thực hiện. Sau khi dự án nghiệm thu toàn bộ, được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống để khai thác sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội, trực tiếp là Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội khai thác, vận hành.
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ, đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.