|
Đề xuất nhân rộng mô hình kiểm tra tải trọng xe tự động. |
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, việc lắp đặt thêm cân tự động chấm dứt tình trạng xe quá tải cũng sẽ tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải đường bộ và giữa các phương thức vận tải, giảm áp lực giao thông vận tải đường bộ, giảm chi phí đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe, ngăn chặn tiêu cực trong công tác kiểm soát tải trọng xe.
Về hệ thống cân tải trọng xe tự động, sau hơn 1 năm thí điểm (từ ngày 15/8/2020) đưa bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động lắp đặt trên QL5 do JICA tài trợ vào hoạt động, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tổng số xe tải cân kiểm tra lên tới hơn 495.000 lượt. Trong đó, chỉ có gần 600 lượt xe vi phạm quy định về tải trọng. Trung bình mỗi ngày có 1,5 lượt xe tải vi phạm.
Tỉ lệ xe quá tải bị xử phạt trên số lượt xe được cân kiểm tra đã giảm từ 6,9% trong 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,12% (giảm hơn 57 lần).
Số lượt xe tải vi phạm bình quân trên ngày đã giảm từ 176 lượt xe/ngày xuống còn 1,5 lượt xe/ngày, giảm hơn 117 lần. Mức độ vi phạm không cao, chủ yếu vi phạm vượt khối lượng toàn bộ cho phép (tổng tải trọng) ở mức trên 10%-30%.
Cơ quan này cũng đánh giá khi có cân tự động, lần đầu tiên phát hiện và xử lý, ngăn chặn được các xe có trục phụ có cơ cấu nâng hạ trục (thực tế khi chở hàng lưu hành trên đường không sử dụng trục phụ nên bị vượt quá tải trọng trục theo quy định). Từ tháng thứ hai trở đi gần như không còn hành vi vi phạm này.
Hệ thống cân tự động đã giám sát được 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân. Chi phí vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt thấp, do được thực hiện phạt nguội.
Bên cạnh đề nghị cần tiếp tục triển khai lắp đặt thêm cân tự động trên các tuyến cao tốc và quốc lộ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng vừa có công văn gửi các hiệp hội, chi hội cơ sở và hội viên trực thuộc Hiệp hội đề nghị chấp hành quy định chở hàng đúng tải trọng cho phép.
Hiệp hội đề nghị các đơn vị này phổ biến tuyên truyền đến các hội viên kiểm soát khối lượng hàng chuyên chở xếp lên xe không vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
Trong đó, khối lượng toàn bộ (gồm khối lượng bản thân rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc không vượt quá khối lượng cho phép kéo theo ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ô tô đầu kéo.
Tải trọng trục xe và khối lượng toàn bộ của xe không vượt quá giới hạn quy định tại Thông tư số 46/2015 của Bộ GTVT “Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, lưu hành xe quá tải trọng; xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
Theo Hiệp hội, hiện có tình trạng một số xe che phủ biển số hoặc làm thay đổi chữ số trên biển số. Đây là những xe cố tình chở hàng vượt quá giới hạn khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông và khối lượng toàn bộ của xe vượt quá giới hạn tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ), mức trên 30% đến gần 100%.
Văn bản nêu rõ: Các chủ xe, lái xe, các hội viên kinh doanh vận tải nếu đã vi phạm như tình trạng nêu trên, cần phải chấm dứt ngay. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào tiếp tục vi phạm, cơ quan pháp luật sẽ xử lý nghiêm, trường hợp vi phạm nhiều lần và mức vi phạm lớn, có thể sẽ đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.