Đồng bộ giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngay từ đầu năm 2019, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo sát sao; Hà Nội cũng tích cực vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ, tuy nhiên, để công tác đảm bảo trật tự, ATGT đạt hiệu quả cao cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.

Dong bo giai phap bao dam trat tu, an toan giao thong - Hinh anh 1
Lực lượng chức năng đảm bảo ATGT tại ngã tư Láng Hạ - Đê La Thành. Ảnh: Thanh Hải

Phối hợp chưa thường xuyên

Vừa qua, Tổ công tác của HĐND TP Hà Nội đã trực tiếp khảo sát công tác đảm bảo trật tự, ATGT, giảm UTGT trên địa bàn Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán. Trưởng Ban đô thị, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân nhận định: “Những ngày trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao; nhưng tình hình an ninh, trật tự, ATGT đã được duy trì ổn định, thông suốt. Không xảy ra UTGT nghiêm trọng kéo dài…”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ công tác, tình hình đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn TP còn nhiều tồn tại. Hiện tượng ô tô dừng đỗ không đúng quy định, đi sai làn đường; người điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; xe taxi dừng đón tùy tiện, gây ùn tắc; lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh… vẫn diễn ra trên nhiều tuyến đường, phố. Mặc dù lực lượng chức năng đã tập trung xử lý nhưng chưa kiên quyết, kịp thời, chưa dứt điểm. 

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, hiệu quả của công tác xử lý vi phạm phải được nhìn nhận, đánh giá từ thực tế. Hiện nay, các hiện tượng xe khách lê la “rùa bò”; taxi, xe ôm quây kín cổng các bến xe; dừng đỗ xe tràn lan; chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh… vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trong TP kể cả dịp lễ, Tết lẫn ngày thường. Bởi vậy, có thể khẳng định, công tác xử lý còn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Quản lý, xử lý phải hiệu quả

Bước sang năm 2019, giao thông Hà Nội đang có nhiều dấu hiệu rất tích cực đến từ công tác đầu tư, phát triển hạ tầng; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành… Tuy nhiên, Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, bài toán giao thông vốn phải được giải bằng các biện pháp đồng bộ. “Nếu không giáo dục, nâng cao được ý thức người dân; không mạnh tay xử lý vi phạm giao thông thì dù hạ tầng có mở mang đến đâu, nguy cơ UTGT vẫn còn hiện hữu” - ông Thành nhấn mạnh.

Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cũng đưa một số kiến nghị đối với UBND TP và các sở, ngành hữu quan. Theo đó, cần phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn TP, nhất là các công trình có sử dụng lòng đường, vỉa hè để thi công. Chính quyền TP cần nghiên cứu, nhanh chóng bố trí nguồn vốn hiện đại hóa Trung tâm điều khiển giao thông; bổ sung trang thiết bị cho các lực lượng: CSGT, Thanh tra GTVT nhằm tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm. TP cần sớm hoàn thành việc đánh giá, xác định công suất các bến xe theo hướng dẫn của Bộ GTVT để điều tiết lưu lượng xe khách xuất bến cho phù hợp với điều kiện hạ tầng và tổ chức giao thông trên địa bàn.

Mặt khác, chính quyền các quận, huyện cần vào cuộc tích cực hơn nữa, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông; vừa phối hợp xử lý quyết liệt, hiệu quả vi phạm giao thông, cũng như vi phạm trật tự đô thị. Đặc biệt, mỗi địa phương cần rà soát các điểm giao thông tĩnh trên địa bàn (theo phân cấp), nhằm quản lý tốt hoạt động và đảm bảo giảm thiểu UTGT do dừng đỗ phương tiện.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền một số địa phương, sở, ban, ngành trong xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, quyết liệt. Công tác phối hợp kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng và địa phương chưa thường xuyên, liên tục; chủ yếu  tập trung vào các đợt cao điểm.

Trưởng Ban đô thị, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân

Minh Tường/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan