Đông Nam Á tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Trung Quốc

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Các quốc gia đang triển khai thêm nhiều chính sách, ưu đãi nhằm thu hút các công ty Trung Quốc đến đầu tư, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.

Khu vực ASEAN đang nhận được nguồn đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc. Vào năm 2022, nền kinh tế số hai thế giới đầu tư tổng cộng 18,65 tỷ USD vào khu vực này, xếp thứ ba sau Mỹ và EU. Tính đến cuối năm 2022, quốc gia tỷ dân đã thành lập hơn 6.500 công ty có vốn đầu tư trực tiếp tại ASEAN, tuyển dụng hơn 660.000 lao động nước ngoài.

Singapore hiện là quốc gia nhận FDI lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Tổng FDI của Trung Quốc vào quốc gia này năm 2022 đạt xấp xỉ 6,3 tỷ USD, chiếm 33,5%. Theo một ước tính, có khoảng 500 công ty Trung Quốc thành lập chi nhánh ở Singapore hoặc chuyển trụ sở đến đây trong năm 2022.

Nhiều công ty tại Singapore đang nhận được sự hỗ trợ từ tập đoàn Trung Quốc, chẳng hạn: ứng dụng gọi xe đặt hàng trực tuyến Grab nhận được sự hậu thuẫn tài chính từ các nhà đầu tư của Trung Quốc như Didi Chuxing, Hillhouse Capital.

Dong Nam A tao dieu kien cho cac nha dau tu Trung Quoc - Hinh anh 1
Tàu chở khách Lane Xang của Đường sắt Trung Quốc - Lào chạy qua trung tâm bảo dưỡng ở Luang Prabang, Lào, ngày 30/3/2023. Ảnh: Xinhua

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn FDI từ Trung Quốc, Singapore đã chú trọng phát triển và hướng nguồn đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, đưa ra những cải cách tái chính, các ưu đãi về thuế, đồng thời xây dựng và phát triển nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao nhằm thu hút các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân, các quỹ đầu tư và quỹ quản lý tài sản gia đình của Trung Quốc.

Thái Lan cũng là một trong những quốc gia tại Đông Nam Á nhận được sự quan tâm từ Trung Quốc. Nền kinh tế số hai thế giới hiện đang đứng đầu về giá trị vốn đầu tư vào “đất nước chùa Vàng” với hơn 159 tỷ baht (4,5 tỷ USD), chiếm gần 25%.

Kể từ tháng 12/2023, ít nhất 14 công ty niêm yết cổ phiếu hạng A của Trung Quốc lên kế hoạch thành lập chi nhánh, xây dựng nhà máy mới, mở rộng cơ sở ở đất nước Đông Nam Á này, chẳng hạn: ZYNP Corp, nhà sản xuất linh kiện động cơ đốt trong với khoản đầu tư 210 triệu nhân dân tệ (29,56 triệu USD) để xây dựng cơ sở sản xuất hay Circuit Fabology Microelectronics Equipment Co, công ty sản xuất bảng mạch in (PCB) với khoản đầu tư 100 triệu nhân dân tệ để thành lập chi nhánh.

 

Chính phủ Thái Lan đã xem phát triển kinh tế làm mục tiêu hàng đầu và xem việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc là một trong những mục tiêu quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh cũng như những lợi thế chi phí thấp cũng là một trong những điểm mấu chốt giúp thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc đến với Thái Lan.

Nhằm thúc đẩy trao đổi Nhân dân và quan hệ thương mại, Thái Lan đã miễn vĩnh viễn các yêu cầu về thị thực cho công dân Trung Quốc, có hiệu lực từ 1/3/2024. Chính phủ Bangkok cũng đưa ra những ưu đãi đối với các công ty sản xuất xe điện NEV của Trung Quốc, nhờ đó đã thu hút một lượng lớn công ty hàng đầu trong lĩnh vực này vào Thái Lan.

Chẳng hạn, chương trình EV3.5 cung cấp trợ cấp cho việc mua NEV và nhằm mục đích quảng bá Thái Lan trở thành trung tâm khu vực cho các phương tiện này, hay các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm miễn thuế nhập khẩu máy công cụ đã qua sử dụng.

Xu Genluo, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Amata Corp tại Thái Lan cho biết, vào năm 2023 cộng đồng DN Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào Thái Lan, khi nhiều phái đoàn DN đã đến thăm khu công nghiệp của tập đoàn.

Các nhà phân tích Trung Quốc và Thái Lan cho biết trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với các cơn gió ngược, ngày càng nhiều DN của quốc gia tỷ dân đang tăng cường đầu tư ngành công nghiệp điện tử và phương tiện sử dụng năng lượng mới tại “đất nước chùa Vàng”.

Trung Quốc và Lào đang thúc đẩy hợp tác trong xây dựng hệ thống đường sắt, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Quốc gia tỷ dân đã hỗ trợ Chính phủ Lào 3,6 tỷ USD trong việc xây dựng tuyến đường sắt dài khoảng 1.000km từ Thủ đô Vientiane, Lào, đến Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chính phủ Lào xác định tăng cường nỗ lực thu hút khách du lịch vào năm 2024, trong đó đặt mục tiêu tận dụng vị thế là Chủ tịch ASEAN nhằm tăng khả năng tiếp cận đối với các nguồn đầu tư nước ngoài.

Đối với Trung Quốc, Lào sẽ tạo điều kiện để các DN nước này hoạt động hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh giúp giảm thời gian đi qua cửa khẩu biên giới Lào - Trung Quốc, khuyến khích công dân đi du lịch tại quốc gia tỷ dân, đồng thời tăng cường các nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương.

Tùng Lâm

Tin liên quan