Bắt tay ngay vào thi công
Dự án cầu Tứ Liên, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, được thiết kế với quy mô hiện đại và đồng bộ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất. Cây cầu bắt đầu từ nút giao với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ) và kết thúc tại nút giao với đường Trường Sa (huyện Đông Anh), với tổng chiều dài khoảng 5,15km.
Dự án bao gồm đường dẫn, cầu cạn và đường song hành, có bề rộng 48m theo quy hoạch. Các nút giao với đường Nghi Tàm và đường Trường Sa (QL5 kéo dài) được xây dựng hoàn chỉnh, trong khi các nút giao khác như trục TC5, bãi giữa, trục TC13 và đường LK52 sẽ được đầu tư trong các dự án sau. Dự án cầu Tứ Liên có thời gian thi công 30 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027.

Ngay sau lễ khởi công, các nhà thầu bắt tay vào thi công dự án ngay.
Hai tháng sau lễ khởi công, các nhà thầu đã bắt tay vào thi công những hạng mục nền móng quan trọng. Theo báo cáo của liên danh nhà thầu Tập đoàn Thái Bình Dương, đơn vị thi công đã hoàn tất công tác chuẩn bị và bắt đầu khoan cọc nhồi cho hầm chui dưới QL5, trụ chính P37 và P38. Các cọc nhồi có đường kính 2,5m, độ sâu 65m. Công tác khoan cọc dự kiến hoàn thành trong vòng 3 tháng (tháng 10/2025).
Tại bờ Nam nằm trên địa bàn phường Hồng Hà, dây chuyền khoan đã hoạt động từ giữa tháng 7. Nhà thầu đang nỗ lực để sớm đổ bê tông cọc nhồi đầu tiên cho trụ tháp P37 trong vài tuần tới.
Ông Vương Chính Binh - Giám đốc dự án liên danh nhà thầu EPC cầu Tứ Liên, cho biết: “Mực nước sông Hồng năm nay dâng sớm hơn so với mọi năm, hiện đạt mức 5, trong khi thông thường phải đến tháng 8 mới đạt mức này. Điều này gây khó khăn cho thi công, nhưng chúng tôi vẫn duy trì tiến độ và chỉ tạm dừng nếu mực nước vượt mức 8”.

Máy móc cỡ lớn cùng nhân lực đã được tập kết tới công trường.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, toàn bộ cọc khoan nhồi sẽ hoàn thành. Năm 2026, các nhà thầu sẽ tập trung thi công tháp chính, và đầu năm 2027 sẽ tiến hành lao dầm thép. Với thiết kế cầu dây văng dạng xoắn lần đầu tiên tại Việt Nam, tiến độ thi công đòi hỏi sự chính xác và đồng bộ cao.
Mặt bằng là thách thức lớn nhất
Công tác GPMB là trở ngại lớn nhất của dự án. Tổng diện tích thu hồi đất phục vụ dự án là 62,53 ha liên quan đến gần 560 hộ dân và tổ chức tại các phường Hồng Hà và Bồ Đề. Dù một số khu vực như trước Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và đất công tại trụ P38 (khoảng 3.000m² trong ranh GPMB và 15.000m² ngoài ranh) đã được bàn giao, tuy nhiên nhiều khu vực khác vẫn chưa hoàn tất.

Công tác khoan cọc nhồi đang được triển khai gấp rút.

Mỗi mũi khoan có chiều sâu 65m.
Tại trụ P37, chỉ một phần đất công (1.600/14.400m² trong ranh và 1.400/34.000m² ngoài ranh) được bàn giao. Các phường Tây Hồ, Hồng Hà và Bồ Đề đang phối hợp đẩy nhanh GPMB, đặc biệt tại khu vực trụ P37 – điểm găng tiến độ của dự án.
Kỹ sư Mai Minh Thắng - Chỉ huy phó công trường Công ty Trung Chính, cho biết: “Mặt bằng hiện rất hạn chế. Chúng tôi mong sớm có lối vào từ ngõ 310 Nghi Tàm đến vị trí trụ P37 để thuận lợi cho vận chuyển thiết bị và triển khai đồng bộ các hạng mục. Hiện tại, việc vận chuyển qua đường sông bị ảnh hưởng lớn bởi mực nước sông Hồng”.
Phía bờ Bắc, ngoài khu vực trụ P38, các khu vực còn lại vẫn chưa có đường vào công trường. Nhà thầu phải sử dụng đường sông để vận chuyển máy móc, vật tư, làm tăng chi phí và thời gian thi công. Tại đây, mặt bằng thi công trụ P38 đã được bàn giao, chủ yếu là đất công trồng hoa màu. Nhà thầu có mặt bằng, nhưng các khu vực lân cận vẫn chưa được giải phóng.
Ông Vũ Trung Thắng - Phó Giám đốc Ban điều hành Công ty CP Đầu tư và XD Phương Thành, chia sẻ: “Hiện tại, chỉ khu vực trụ P38 được bàn giao. Đường vào công trường vẫn chưa có, chúng tôi chủ yếu vận chuyển vật tư qua đường sông, gây nhiều khó khăn”.

Các kỹ sư liên tục kiểm tra độ sâu cũng như kết cấu đất.
Ông Mai Minh Thắng - Chỉ huy trưởng công trường cho biết: “Hiện nay đường bộ tiếp cận dự án cực kỳ khó khăn. Chúng tôi đang nỗ lực vượt qua những khó khăn để thi công dự án. Chúng tôi mong muốn sớm được bàn giao mặt bằng để có không gian tập kết thiết bị và vật tư xây dựng nhằm triển khai đồng thời tất cả các mũi thi công. Hiện chúng tôi đang phải vận chuyển máy móc và thiết bị bằng đường sông nên phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên”.

Một trạm bê tông phục vụ dự án được dựng trên sông.

Chưa có đường tiếp cận khiến việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn.

Công đoạn làm thép cọc nhồi được thực hiện ngay tại dự án.

Những khung thép có đường kính 2,6m sẽ được đưa xuống các mũi khoan.

Đơn vị thi công chia làm nhiều mũi để đảm bảo được các mốc tiến độ đã đề ra.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành cuối năm 2027, các nhà thầu cho rằng, công tác GPMB cần được đẩy nhanh. Ngoài ra, các đơn vị thi công cần tiếp tục khắc phục khó khăn về thời tiết và điều kiện địa hình, đặc biệt trong mùa mưa lũ, để duy trì tiến độ thi công.
Dự án cầu Tứ Liên không chỉ là công trình giao thông mà còn là biểu tượng mới của Thủ đô, với thiết kế độc đáo và hiện đại. Việc hoàn thành đúng tiến độ sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Hà Nội. Với nỗ lực của các bên liên quan, dự án được kỳ vọng sẽ vượt qua thách thức để sớm đi vào hoạt động, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.