|
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống
|
Ngày 29/4, Tư vấn Pháp ACT đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án này.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang chờ Hội đồng nghiệm thu Nhà nước xem xét và ra quyết định cuối cùng trước khi chính thức bàn giao cho UBND TP Hà Nội để vận hành thương mại.
Trước đó, tháng 1/2021, Tư vấn ACT đã phát hành chứng nhận kiểm tra kèm theo báo cáo số 13, nêu ra 16 khuyến cáo theo các nhóm, gồm: Dự án không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; nhân sự chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác… Tổng thầu EPC Trung Quốc không cung cấp đủ tài liệu liên quan tới an toàn vận hành hệ thống; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến và hệ thống cầu cạn không bảo đảm.
Theo Tư vấn ACT, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống thì có 8 quy trình thất bại. Trên cơ sở đó, ACT nhấn mạnh, nếu vận hành dự án sẽ phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đó là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác. Từ tháng 1 đến hết tháng 3/2021, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã khắc phục và hoàn thành sửa chữa theo các khuyến nghị mà Tư vấn ACT đưa ra.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông cũng hiện đã được cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu.
Công ty Metro Hà Nội cũng đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp và đã diễn tập ngoài hiện trường, bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đã hoàn thiện các khuyến nghị thuộc trách nhiệm của Công ty Metro Hà Nội.
Tư vấn Pháp ACT là một tổ chức thứ 3 độc lập được Bộ Giao thông Vận tải ký kết hợp đồng thuê để đánh giá an toàn hệ thống đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông. Dự án có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng).
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội ban hành mới đây, hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong 15 ngày đầu khai thác thương mại được miễn vé. Sau thời gian trên, hành khách có thể chọn mua vé theo hình thức vé lượt, vé ngày, vé tháng.
Giá vé lượt gồm vé theo chặng (giữa các ga) và toàn tuyến ở mức trong khung giá từ trên 7.000 đồng (mua bằng tiền mặt giá 8.000 đồng) cho đến 15.000 đồng; vé ngày 30.000 đồng/người/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến).
Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá 140.000 đồng/người/tháng.
Các mức giá trên đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể cho hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán (nếu có).