Gặp nông dân đóng góp 700 triệu đồng xây cầu tại An Giang

 
Chia sẻ

Dù bỏ ra số tiền bằng khối tài sản lớn của một gia đình nhưng nông dân Lâm Văn Nhơn (ấp Tô Thủy, xã Núi Tô, Tri Tôn, An Giang) không hề đắn đo: “Xây cầu mang lại lợi ích cho nhiều người, tôi sẵn lòng đóng góp. Cả gia đình tôi đều vui vẻ khi góp công, góp của vô cầu kênh 5 này”.

Gap nong dan dong gop 700 trieu dong xay cau tai An Giang - Hinh anh 1
Vợ chồng nông dân Lâm Văn Nhơn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích đóng góp xây cầu

Chấp nhận làm thuê, tích cóp xây cầu

Cuối tháng 7 vừa qua, nhân dân 2 bên bờ kênh 13 (Tri Tôn) vui mừng dự lễ khánh thành cây cầu nối liền ấp Tân Trung (xã Tà Đảnh) và ấp Tô Thủy (xã Núi Tô). Do kênh 13 khá rộng nên việc xây cây cầu bê tông cốt thép dài 57m, ngang 3,6m với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thông tin khiến nhiều người chú ý là có một nông dân “dám” bỏ ra đến 700 triệu đồng để tài trợ xây cầu.

Khi tìm gặp chú Lâm Văn Nhơn, người nông dân có nghĩa cử đặc biệt ấy, trong đầu tôi cứ hình dung ông phải là một nông dân “đại gia”, ruộng đất nhiều, tiền bạc dư dả nhưng sự thật không như vậy. Vợ, chồng chú sống trong căn nhà hết sức bình thường nằm cặp bờ kênh 13, tài sản cũng chỉ có vài công đất cùng một số máy móc để hành nghề… bơm nước thuê. “Khu vực này kênh rộng mà lại không có cầu bắc ngang. Người dân, các cháu học sinh muốn sang phía bên kia bờ kênh phải đưa xe máy, xe đạp xuống xuồng, rồi di chuyển qua rất nguy hiểm. 20 năm sống ở vùng này, tôi ấp ủ ý định xây cầu bắc qua kênh 13 nên cứ tích cóp, để dành tiền từ năm này qua năm nọ. Khi có được 700 triệu đồng, tôi liên hệ Tổ đình ở Phú Tân (Văn phòng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo) trình bày nguyện vọng đóng góp xây cầu” - chú Nhơn bộc bạch.

Xuất phát từ tấm lòng của nông dân Lâm Văn Nhơn, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã vận động được thêm gần 490 triệu đồng trong tín đồ và nhân dân, Xí nghiệp Khai thác chế biến đá Cô Tô hỗ trợ 120m3 đá (trị giá 45,6 triệu đồng)… Trong đó, có những nông dân như ông Lê Văn Uốt (ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh) dù không dư dả gì cũng quyết định đóng góp 50 triệu đồng. Ngày 20-1-2019, cầu kênh 5 (bắc từ đầu kênh 5 ngang qua kênh 13) chính thức được khởi công. Suốt gần 6 tháng ròng, đội thi công từ thiện Hai On cùng người dân đã đóng góp 1.347 ngày công để dựng lên cây cầu mong ước. Do nhà nằm ngay chân cầu nên gia đình chú Nhơn đảm nhận luôn khâu nấu cơm, lo nước uống cho đội thi công. “Mỗi ngày đãi cơm 30-40 người ăn nên khi cầu xây xong, cũng hết luôn 7 bao gạo (loại 50kg/bao). Bà con ai cũng vui vẻ góp sức nên nấu cơm không biết mệt” - cô Ngô Thị Thanh Thoảng (vợ chú Nhơn) chia sẻ.


Trọn vẹn hiếu, tình

Trong câu chuyện xây cầu, vợ chồng chú Nhơn tỏ ra không hề quan tâm đến số tiền 700 triệu đồng đóng góp, mà luôn nhớ về ba mẹ (ông bà Lâm Văn Húa và Võ Thị Truyền). “Hồi trước, tôi theo ba mẹ đi bán lò đất khắp các tuyến kênh. Khi về định cư ở bờ kênh 13 như hiện nay, gia đình rất khó khăn, phải làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Năm 2006, ba tôi mất khi nhà còn rất nghèo, có lúc không đủ gạo ăn. Vợ chồng tôi nỗ lực lao động để cuộc sống khá hơn, cũng là tích cóp giúp đời. Năm rồi, mẹ tôi mất, tính ra giờ đã giáp năm. Tôi quyết định đóng góp xây cầu phần vì muốn bà con được đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận lợi hơn, học sinh đi học được an toàn, phần vì muốn hồi hướng, tích phước cho ba mẹ” - chú Nhơn bộc bạch.

Đồng thuận với chồng, cô Ngô Thị Thanh Thoảng cũng không hề đắn đo khi bỏ số tiền lớn đóng góp xây cầu. “Hồi trước khổ lắm nên mong muốn của tôi là làm sao kinh tế phát triển, ai cũng có cuộc sống ấm no hơn. Thấy bà con đi lại thuận tiện trên cây cầu mới là mình vui rồi. Ngay con đường dưới chân cầu, gia đình tôi cũng vận động bà con đóng góp đổ đá, đổ bê-tông để lưu thông dễ dàng hơn. Đường làm xong với kinh phí gần 50 triệu đồng, bà con góp được phân nửa, còn lại vợ chồng tôi lo luôn” - cô Thoảng vui vẻ.

Tấm lòng hào phóng, rộng rãi của vợ chồng chú Nhơn đã kéo theo tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của những hộ dân sống 2 bên bờ kênh 13. “Tranh thủ việc đồng xong, ngày nào tôi cũng ra phụ xây cầu. Thằng con 17 tuổi của tôi hôm nào đi học thì thôi, được nghỉ cũng ra phụ tiếp mấy chú, mấy bác. Nhờ tất cả đồng lòng nên tiến độ xây cầu không bị gián đoạn. Xứ này nghèo tiền nghèo bạc, chứ không nghèo tấm lòng” - nông dân Bùi Văn Tâm (hàng xóm với nông dân Lâm Văn Nhơn) chia sẻ.

Báo An Giang

Tin liên quan