: Hiện trường tai nạn đêm 13/5 tại phố Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: H.M |
Có ý định bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông
Khoảng 22h ngày 13/5/2024, tại khu vực trước số 247 Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chị P.A.T (SN 2006, trú ở quận Hai Bà Trưng) điều khiển xe mô tô BKS: 29AB-242... thì bị một xe ô tô tải loại 5 tấn mang BKS: 18C-08609, đi cùng chiều va vào, làm xe mô tô của chị T đổ xuống đường. Bánh sau xe tải chèn qua người khiến cô gái trẻ tử vong tại chỗ.
Đáng chú ý, sau khi xảy ra va chạm, tài xế xe tải có ý định điều khiển phương tiện trốn chạy, nhưng đã bị người dân cùng lực lượng CA truy đuổi, bắt giữ cách hiện trường hơn 300 mét. Thời điểm trên, CQCA xác định danh tính người lái xe tải tên là Nguyễn Văn Học (SN 1990, quê Nam Định) và phụ xe là Nguyễn Thành Công (SN 1996, quê Nam Định). Thông tin cho biết, tài xế Học không có phản ứng với ma túy, cồn.
Luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định, người điều khiển phương tiện giao thông và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Đồng thời ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của CQCA đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu. Trong trường hợp người gây tai nạn bị đe dọa đến tính mạng thì được phép rời hiện trường, nhưng phải đến trình báo ngay với CQCA nơi gần nhất. Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn là hành vi bị nghiêm cấm.
Quy định của pháp luật
Còn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, người điều khiển xe thực hiện hành vi “gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn” bị xử phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 5 tháng đến 7 tháng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng. Và phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác.
Với các trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự, theo luật sư Nguyễn Thị Yến, tại Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định cụ thể về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Theo đó, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Minh Dương