Cụ thể, giá vé lượt từ trên 7.000 đồng cho đến 15.000 đồng tùy theo chặng sử dụng; giá vé ngày là 30.000 đồng/người/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến).
|
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Ảnh: Lê Thanh
|
Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá 140.000 đồng/người/tháng.
Các đối tượng ưu tiên được miễn tiền vé, bao gồm: Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Ngoài ra, thành phố miễn tiền vé cho toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
Cũng theo quyết định trên, các mức giá này đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể cho hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán (nếu có).
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14/6/2021 và mức giá vé trên được áp dụng từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại.
Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành đường sắt đô thị, UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính đánh giá, tổng kết và trình thành phố xem xét ban hành mức giá vé phù hợp.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư (đại diện Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đường sắt); Tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Trung Quốc). Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc) sau đó đội giá thêm 339 triệu USD (từ 552 lên 891 triệu USD, tăng 61%). Dự án khởi công tháng 10/2011 với chiều dài hơn 13km, 12 nhà ga trên cao.
Dù đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống vào ngày 29/4 vừa qua, nhưng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào vận hành thương mại trong dịp 1/5 như kế hoạch đề ra.
Theo lý giải của Bộ GTVT, các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành, nhưng hồ sơ, thủ tục nghiệm thu còn phụ thuộc vào quy trình kiểm tra, xem xét và đánh giá kết quả thực hiện của Tư vấn ACT và Hội đồng kiểm tra Nhà nước nên mốc thời gian khai thác không đạt được như mong muốn.
Như vậy, người dân Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục đợi thêm một thời gian nữa để có thể được trải nghiệm cảm giác đi trên tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước.