|
Nút giao Pháp Vân - QL1A - Hoàng Liệt sau khi cải tạo đã giảm đáng kể tình trạng ùn ứ phương tiện. Ảnh: Ngọc Hải |
Sau nhiều ngày thi công gấp rút, nút giao Pháp Vân - QL1A - Hoàng Liệt đã hoàn thành vào giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Nút giao này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tổ chức giao thông tại khu vực được coi là “yết hầu” của cửa ngõ phía Nam.
Trước đó, Pháp Vân - QL1A - Hoàng Liệt là một nút giao lệch. Các phương tiện từ đường Pháp Vân phải đi ngược lên điểm mở, băng qua đường sắt để vòng lại đường Hoàng Liệt, theo Vành đai 3 đi vào trung tâm TP. Mặc dù cùng nằm trên một trục Vành đai 3 nhưng do giao cắt lệch, điểm mở lại dùng chung cho cả 2 đường: Hoàng Liệt, Linh Đường nên khả năng phục vụ lưu thông của đoạn tuyến bị hạn chế rất lớn. Thậm chí, nút giao lệch còn tạo ra nhiều xung đột giao thông, gây ùn tắc nghiêm trọng “yết hầu” cửa ngõ phía Nam Thủ đô, đặc biệt là trong giờ cao điểm và các kỳ nghỉ lễ.
Sau khi cải tạo, nút giao đã được mở rộng để đường Hoàng Liệt (cả hai chiều) thông thẳng với đường Pháp Vân. Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trung tá Lê Văn Tiến đánh giá: “Đây là một giải pháp rất hữu hiệu, góp phần hạn chế tối đa UTGT trong khu vực giao cắt Pháp Vân - QL1A - Hoàng Liệt. Đặc biệt dịp Tết vừa qua, nút giao mới cải tạo đã có hiệu quả cao, giải quyết vấn đề ùn ứ phương tiện từ đầu cao tốc Pháp Vân đến bán đảo Linh Đàm”.
Tuy nhiên, Trung tá Lê Văn Tiến cũng cho hay, hiện hệ thống biển báo, tổ chức giao thông vẫn chưa hoàn thiện. Do không có biển cấm rẽ trái nên nhiều phương tiện từ đường Hoàng Liệt ra vẫn ngược hướng lên Giải Phóng, gây xung đột giao thông. Bên cạnh đó, nhiều xe tải, xe khách cỡ lớn vẫn đang lưu thông từ Pháp Vân, qua Hoàng Liệt, vào bán đảo Linh Đàm để ra Nguyễn Xiển, gây ùn tắc cục bộ trong lòng bán đảo. Chỉ huy Đội CSGT số 14 cho biết đã kiến nghị với Sở GTVT Hà Nội cắm biển cấm xe khách, xe tải, hướng Pháp Vân đi Hoàng Liệt để có căn cứ điều tiết giao thông cũng như xử lý vi phạm.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá rất cao việc cải tạo, mở rộng nút giao Pháp Vân - QL1A- Hoàng Liệt, tuy nhiên vẫn cho rằng đoạn tuyến Vành đai 3 từ Pháp Vân đến Nguyễn Xiển chưa được đồng bộ năng lực lưu thông, vẫn còn nhiều hạn chế. Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích: “Xóa bỏ nút giao lệch đã nâng cao đáng kể khả năng lưu thông. Thế nhưng đường Vành đai 3 dưới thấp vẫn đang bị đứt đoạn tại khu vực hồ Linh Đàm. Cần nối thẳng qua hồ, đến đường Nguyễn Xiển để mở ra hướng lưu thông chiến lược, cởi bỏ nút thắt cho cửa ngõ phía Nam Thủ đô”.
Đại diện Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, hiện dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3 đã đến bước hoàn thiện bản vẽ thiết kế, có thể khởi công trong năm 2019. Dự án sẽ xây dựng 2 cầu đi thấp sát nhau qua hồ Linh Đàm, mỗi cầu rộng 13m, dài từ 263 - 285m (tổng chiều dài 549,37m). Cùng với đó là 2 nhánh kết nối lên cầu cạn Vành đai 3 có chiều rộng 7m, 1 nhánh lên theo hướng đi Pháp Vân và 1 nhánh xuống theo hướng đi Thanh Xuân. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án vào khoảng 342 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách TP.