Hà Nội xin điều chỉnh chủ trương đầu tư ĐSĐT Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Ha Noi xin dieu chinh chu truong dau tu DSDT Nam Thang Long- Tran Hung Dao - Hinh anh 1
Hà Nội xin điều chỉnh chủ trương đầu tư ĐSĐT Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo  

Cụ thể, Hà Nội trình Thủ tướng xem xét, điều chỉnh 3 nội dung quan trọng tại Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Nội dung điều chỉnh thứ nhất liên quan đến quy mô xây dựng chủ yếu của dự án. Tại Tờ trình số 275, tổng chiều dài tuyến của Dự án được đề xuất là 11,5km, gồm 8,9 km đoạn đi ngầm và 2,6km đoạn đi trên cao; phương tiện vận tải gồm 10 đoàn tàu có 4 toa.

So với Quyết định số 2054 của UBND TP Hà Nội, tổng chiều dài tuyến của dự án vẫn được giữ nguyên, nhưng có thay đổi về chiều dài đoạn đi trên cao (tăng từ 8,5 km lên 8,9km) và đoạn đi ngầm (giảm từ 3km xuống 2,6 lkm); số lượng đoàn tàu được giảm từ 14 đoàn tàu xuống còn 10 đoàn tàu.

Lý do điều chỉnh, chiều dài phần đi ngầm và đi cao thay đổi so với Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt năm 2008 do thay đổi phương án trắc dọc đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm ngầm và đồng thời thay đổi phạm vi 11 giữa 2 phần trên cao và ngầm (theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt lý trình phân chia giữa 2 phần là Km2+600 đến phạm vi hầm, theo bổ cập và hoàn thiện TKCS chuyển về lý trình Km 2+232,00 hết phạm vi cầu cạn).

Nội dung điều chỉnh thứ hai là sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được đề xuất điều chỉnh lên 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu yên), tăng thêm 16.033 tỷ đồng so với thời điểm năm 2008.

Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) là 167.079 triệu yên, tương đương 29.672 tỷ đồng, tăng thêm 13.187 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội là 5.916 tỷ đồng (tương đương 33.665 triệu yên), tăng thêm 2.846 tỷ đồng.

Lý do điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư, do dự án được nghiên cứu lập tại giai đoạn năm 2007-2008, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ là dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ thực hiện từ những năm 2000 đối với từng loại kết cấu công trình như nhà ga ngầm, nhà ga trên cao, kết cấu hầm đào hở, cầu cạn,…

Mặc dù đã cập nhật suất đầu tư các dự án và xem xét đến sự tương thích với điều kiện thi công và mặt bằng giá cả tại thành phố Hà Nội thời điểm năm 2008, nhưng do còn thiếu kinh nghiệm thực tế nên việc tính toán cũng chỉ dừng lại những vấn đề mang tính chất bình quân đối với một dự án mà chưaxem xét đầy đủ đến các yêu cầu an toàn cao; chưa tính toán đủ tổ chức vận hành, khai thác, bảo dưỡng…

Nội dung điều chỉnh thứ ba là việc Dự án có thời gian thực hiện mới là từ năm 2009 đến năm 2031, trong đó, UBND TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và cần thêm 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng.

Lý do điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, do hợp đồng dịch vụ tư vấn chung cho dự án đã được ký vào tháng 3/2011 theo đúng tiến độ triển khai được phê duyệt. Tuy nhiên, do quá trình xem xét, thẩm tra, thẩm định điều chỉnh dự án kéo dài từ năm 2012 đến nay chưa kết thúc nên chưa triển khai các gói thầu thi công xây lắp và thiết bị của dự án. Vì vậy, cần phải điều chỉnh tiến độ, thời gian thực hiện của dự án cho phù hợp với thực tế.

Hải Phương

Tin liên quan