Lo xăng tăng, nhiều người ưu tiên đi tàu trên cao trong thời gian miễn phí

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngay trong những ngày đầu đi vào phục vụ người dân, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông đã sớm trở thành lựa chọn đối với không ít người, nhất là nhóm nhân viên công sở, người lao động làm việc có trụ sở công ty ở các phố dọc theo tuyến hoặc gần các nhà ga.

Từ nay cho đến ngày 20/11, tàu trên cao vẫn sẽ hoạt động miễn phí phục vụ Nhân dân Thủ đô, do đó, nhiều người cho biết sẽ lựa chọn sử dụng tàu để đi làm cho tới lúc đó. Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng, dầu được dự đoán sẽ tăng kỳ thứ 5 liên trong phiên điều chỉnh ngày 10/11 thì di chuyển bằng phương tiện công cộng là lựa chọn không tồi, nhất là với tuyến tàu điện vừa khai trương và đang được sử dụng hoàn toàn miễn phí.

Lo xang tang, nhieu nguoi uu tien di tau tren cao trong thoi gian mien phi - Hinh anh 1
 Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông.

Dù đã có xe ô tô cá nhân, nhưng anh Tạ Toàn (37 tuổi, Văn Quán, Hà Đông) cho biết đôi khi vẫn đi tới cửa hàng ở Hào Nam bằng xe buýt, nay có tàu Cát Linh - Hà Đông, ga đầu khá gần nhà còn ga cuối cách cửa hàng chỉ khoảng 500m nên anh sẽ cân nhắc sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, anh Toàn cũng cho biết ít nhất sẽ đi tàu điện cho tới khi hết thời gian miễn phí. “Với giá xăng dầu đắt đỏ ngày càng tăng như hiện nay, nếu sử dụng phương tiện công cộng, tôi sẽ giảm một khoản chi phí không nhỏ để sử dụng vào mục đích khác. Ít nhất, trong 10 ngày tới, tôi vẫn coi tàu điện như phương tiện di chuyển chính và sẽ mua vé tháng nếu thấy thuận tiện, tiết kiệm”, anh Toàn chia sẻ.

Lo xang tang, nhieu nguoi uu tien di tau tren cao trong thoi gian mien phi - Hinh anh 2
Để đảm bảo không dồn quá 500 người, đơn vị vận hành nhà ga phải thực hiện giãn cách từ sảnh tầng 1 dẫn đến thời gian chờ đợi kéo dài hơn.

Đối với anh Lê Hà Hân (33 tuổi, Văn Quán, Hà Đông), một nhân viên văn phòng làm việc tại quận Đống Đa, việc đi làm bằng tàu điện trên cao vốn đã được chờ đợi rất lâu vì quãng đường từ nhà đến cơ quan sẽ được rút ngắn lại rất nhiều, trong khi thời gian từ nhà đến công ty chỉ tiêu tốn khoảng 20 phút, thay vì mất ít nhất 40 phút đến hàng tiếng đồng hồ như trước đây.

“Tôi khá may mắn khi cả nơi ở và nơi làm việc đều gần các ga tàu trên cao nên việc đi lại giờ đây trở nên rất đơn giản. Dù chiều về tại ga Cát Linh có hơi mất thời gian hơn đi từ ga Văn Quán vì đông người và phải xếp hàng đi vào ga, nhưng vẫn dễ chịu hơn là nhích từng mét đường, ngồi cả tiếng trên xe máy như thường ngày” anh Lê Hà Hân cho biết.

Lo xang tang, nhieu nguoi uu tien di tau tren cao trong thoi gian mien phi - Hinh anh 3
 Điểm đón khách đi xe buýt ngay dưới chân nhà ga Văn Quán. 
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa - Hà Đông. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao, gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa. 

Bên cạnh nhóm những người lao động có phương tiện riêng, chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng và mới đi tàu điện như một sự thử nghiệm. Bộ phận những người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt được dự đoán sẽ chuyển sang đường sắt đô thị do tính tiết kiệm trong chi phí, thời gian đi lại, chờ đợi tại ga tàu cũng là không nhỏ.

Mặt khác, đối với nhóm hành khách là học sinh, sinh viên, theo nhận định của một số chuyên gia cũng là đối tượng thường xuyên sử dụng tàu điện khi các trường học mở cửa trở lại. Thời gian này Sở GTVT Hà Nội cũng đang nghiên cứu, chuyển đổi lộ trình, luồng tuyến của một số tuyến xe buýt nhằm tăng cường kết nối, bổ trợ cho tuyến đường sắt đô thị 2A, qua đó kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hành khách công cộng của Thủ đô.

Lo xang tang, nhieu nguoi uu tien di tau tren cao trong thoi gian mien phi - Hinh anh 4
 Các phương thức vận tải công cộng sẽ khiến giao thông Thủ đô "dễ thở" hơn.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội, tính đến cuối ngày 8/11, tổng số chuyến tàu đã vận hành là 386 và chở 99.142 lượt hành khách sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Trong đó, ngày đầu tiên chạy 109 chuyến tàu, chở 25.680 lượt khách; ngày thứ hai 141 chuyến, chở 54.121 lượt; ngày thứ ba 136 chuyến, chở 19.341 khách.

Trong 2 ngày đầu tiên, số lượng khách đông do vào các ngày cuối tuần, hành khách đi để trải nghiệm, tham quan tuyến đường sắt đô thị. Sang ngày thứ 3, vào ngày làm việc đầu tuần nên lượng người đi trải nghiệm, tham quan giảm hơn.

Khi kết thúc thời gian miễn phí, giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông được ngân sách thành phố Hà Nội trợ giá, sẽ có mức phí cụ thể đối với vé đi một lượt (8.000-15.000 đồng), vé ngày (30.000 đồng/ngày, đi lại trong ngày, không giới hạn số lượt đi); vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày kể từ ngày phát hành vé), vé tháng mua theo tập thể 140.000 đồng (vé tháng, mua theo tập thể từ 30 người trở lên), vé tháng cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp (100.000 đồng/vé); vé miễn phí (trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo). 

 

 

Tin liên quan