Khi di chuyển bằng máy bay, hành khách có thể chọn nhiều cách thức bay, trong đó có bay thẳng không nối chuyến (non-stop flight) và bay quá cảnh (transit flight).
Trong đó, bay thẳng không nối chuyến nghĩa là một chuyến bay trực tiếp từ điểm A đến điểm B mà không cần một điểm dừng chân, trong khi bay quá cảnh là chuyến bay mà khách sẽ cần dừng ở một hay nhiều trạm trung gian, phải đổi máy bay để có thể đến được đích cuối cùng.
Chuyến bay thẳng cũng giúp giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay, bởi dù muốn dù không, các chuyến bay thương mại có thể bị hoãn, hủy vì nhiều lý do như thời tiết, máy bay về muộn... Bởi vậy, đối với hành khách di chuyển công vụ, doanh nhân, người có việc gấp cần giải quyết, bay thẳng sẽ là lựa chọn tối ưu.
Việc bay thẳng cũng giúp hành khách không sợ bị thất lạc hành lý, trong khi bay nối chuyến có khả năng xảy ra việc này. Khi tham gia các chuyến bay quá cảnh, hành khách cần phải hết sức chú ý để lên đúng chuyến bay tại thời điểm quá cảnh. Việc phải thay đổi máy bay trên những chuyến bay quá cảnh sẽ gây không ít phiền toái, hoang mang, lo lắng cho hành khách, nhất là đối với những hành khách lần đầu đi máy bay. Việc lỉnh kỉnh xách hành lý đi từ nơi này sang nơi khác, vội vàng nối chuyến nếu máy bay đến muộn cũng có thể khiến trải nghiệm du lịch của hành khách không được vui vẻ.
Trong nhiều trường hợp, bay nối chuyến có thể tối ưu chi phí hơn bay thẳng, tuy nhiên nếu hành khách lựa chọn đúng dịp các hãng bay “tung” ra chương trình ưu đãi vé bay thẳng, sự chênh lệch giá giữa hai hành trình bay nói trên có thể không lớn. Chưa kể, nếu hành trình bay nối chuyến có thể giúp hành khách tiết kiệm chi phí, nhưng kéo dài thời gian di chuyển gấp 3 – 5 lần (hoặc hơn thế nữa) so với bay thẳng khiến hành trình du lịch bị rút ngắn, lại tăng thêm chi phí ăn uống, nghỉ ngơi tại sân bay, điều này có thể khiến hành khách chọn bay một điểm dừng mất “cả chì lẫn chài”, lại “mua” thêm mệt mỏi.
Mặt khác, những chuyến bay quá cảnh cũng có thể gây ra nhiều khó khăn cho bậc cao niên hay trẻ em. Đây là những đối tượng thường có sức bền kém, cũng như có nhiều vấn đề về sức khỏe, bởi vậy di chuyển trên những chuyến bay mất nhiều thời gian có thể khiến người già, trẻ em bị khó chịu, đau nhức. Vì vậy, nếu lựa chọn bay nối chuyến, hành khách cần lên kế hoạch thật chi tiết những việc cần làm để tránh những rắc rối không cần thiết.
Không chỉ hành khách hưởng lợi, bay thẳng còn mang đến nhiều “điểm cộng” cho hãng hàng không. Nếu tính toán về chi phí trả tiền thuê máy bay, phi công, đoàn tiếp viên, nhiên liệu... sẽ là một khoản chi phí tiết kiệm lớn, chưa kể sự tiết kiệm về thời gian, nhất là trong bối cảnh ‘thời gian là vàng bạc’.
Không chỉ vậy, bay thẳng cũng giúp bảo vệ môi trường hơn các loại hình bay. Hành trình bay càng cất cánh nhiều lần, máy bay càng sử dụng nhiều nhiên liệu hơn. Theo một báo cáo năm 2010 của NASA, khoảng 25% lượng khí thải từ máy bay đến từ việc hạ cánh và cất cánh.
Thực tế cho thấy, bay thẳng chính là mô hình có lợi nhiều bên: Từ hành khách, đến các hãng bay, cho đến môi trường. Bởi vậy, nhiều hãng hàng không đã và đang đẩy mạnh xây dựng, triển khai các chuyến bay trực tiếp, kết nối nhiều vùng miền trong nước và quốc tế.
Mới đây, Bamboo Airways cho biết từ ngày 29/9 sẽ đưa vào khai thác các đường bay thẳng trực tiếp Hà Nội - Côn Đảo với tần suất 2 chuyến/ngày, các đường bay Vinh - Côn Đảo, Hải Phòng - Côn Đảo với tần suất 1 chuyến/ngày, tần suất chung sẽ tăng dần theo nhu cầu thực tế của hành khách trong nước và quốc tế.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không có 3 đường bay thẳng từ các tỉnh thành thuộc miền Bắc, miền Trung kết nối tới Côn Đảo.
Với các đường bay mới này, thời gian di chuyển từ các tỉnh, thành khu vực phía Bắc đến Côn Đảo từ 12 giờ xuống còn từ 1 - 2 giờ, đồng thời việc tiếp cận vé máy bay sẽ thuận tiện hơn, đáp ứng được nhu cầu đi lại thuận tiện, linh hoạt của các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế.