|
Bác sĩ Vũ Xuân Hùng – Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhân. |
Theo thông tin từ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn, nếu trong đêm 31/12/2019 và sáng 1/1/2020 tiếp nhận 28 trường hợp TNGT chủ yếu liên quan đến rượu, bia thì đến nay ngày 9/1(hơn một tuần qua), tại đây chưa tiếp nhận thêm trường hợp nào nhập viện. Thậm chí, có một số giường bệnh trống.
Bác sĩ Vũ Xuân Hùng – Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Thanh Nhàn cho biết, thông thường, BV đón nhận tới hơn 100 ca cấp cứu đa chấn thương mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện nay, số bệnh nhân cấp cứu do TNGT đã giảm mạnh, đặc biệt là giảm lượng bệnh nhân nhập viện do uống rượu, bia, chỉ còn khoảng 60-70 ca cấp cứu. Trước đó, thời điểm dịp Tết Nguyên đán có số lượng bệnh nhân TNGT tăng vọt. Hiện BV chỉ có các bệnh nhân gặp tai nạn do nguyên nhân khác. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với các năm trước. “Mong rằng, số lượng bệnh nhân do TNGT tiếp tục giảm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, giúp việc trực Tết tại BV bớt áp lực, vất vả”- Bác sĩ Hùng nói.
Tương tự tại Khoa Hồi sức tích cực của BV, số lượng bệnh nhân nhập viện cũng giảm mạnh kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực.
Theo Bác sĩ Lê Văn Dẫn – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - BV Thanh Nhàn, trước khi Nghị định 100 có hiệu lực, lượng bệnh nhân phải cấp cứu do sử dụng rượu, bia khá nhiều. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc methanol rất nặng, đe dọa tính mạng. “Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 100, các ca trực ghi nhận lượng bệnh nhân giảm đáng kể. Điều này cho thấy Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, xã hội cũng như giảm tải áp lực cho ngành y tế.
Trong khi đó, tại BV Hữu nghị Việt Đức, tính đến thời điểm này, BV chỉ tiếp nhận 1 bệnh nhân nhập viện (ngày 7/1) trong tình trạng có mùi rượu bia, người bị đa chấn thương đang được điều trị tích cực.
Đại diện BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong 6 ngày (từ ngày 1/1 đến 6/1), BV tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó có 46 bệnh nhân có sử dụng rượu, bia (chiếm 11,8%). Con số này giảm so với cùng kỳ năm 2019 với 49 bệnh nhân nhân nhập viện có nồng độ cồn trong tổng số 324 bệnh nhân (chiếm 15%).
Theo các bác sĩ, trước đó, nhiều bệnh nhân sử dụng rượu có nguồn gốc không rõ ràng, do khi cơ thể tiếp xúc với nồng độ cao thì sẽ hủy hoại hệ thần kinh, rối loạn chuyển hóa nặng nề, suy thận và các tạng.
Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên sử dụng rượu bia, đặc biệt là dịp cuối năm, nhiều loại rượu không có nguồn gốc rõ ràng, có thể có độc tính mà nhiều người không biết rõ.