Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi lưu lượng hành khách toàn cầu vượt qua mức của năm 2019, cho thấy nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đã trở lại một cách ấn tượng.
Theo số liệu do Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI World), hơn 9,5 tỷ lượt hành khách đã được ghi nhận trên toàn thế giới, tăng 3,8% so với thời kỳ tiền đại dịch và tăng 9% so với năm 2023.
Trong bối cảnh ấy, các sân bay lớn đóng vai trò trung tâm trong việc khôi phục chuỗi kết nối toàn cầu. Mười sân bay có lưu lượng hành khách cao nhất năm 2024 chiếm khoảng 6% tổng số lượt hành khách toàn thế giới, với mức tăng gần 6,5% so với năm 2023.
Tổng Giám đốc ACI World Justin Erbacci nhấn mạnh, những sân bay bận rộn nhất thế giới đang chứng minh vai trò then chốt trong kết nối toàn cầu. Không chỉ là điểm trung chuyển, sân bay còn là động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa và phát triển bền vững giữa các quốc gia.
Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta tiếp tục giữ vị trí số một thế giới về lưu lượng hành khách trong 26 trên 27 năm qua. Ảnh: Hartsfield-Jackson Atlanta Airport
Đứng đầu danh sách là sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, nơi tiếp tục giữ vị trí số một thế giới về lưu lượng hành khách trong 26 trên 27 năm qua. Dù vẫn thấp hơn một chút so với mức đỉnh năm 2019, Atlanta vẫn duy trì sự ổn định ấn tượng, là đầu mối không thể thay thế trong mạng lưới hàng không Bắc Mỹ. Xếp sau là sân bay quốc tế Dubai, trung tâm trung chuyển lớn của Trung Đông, thể hiện sức tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh khu vực này ngày càng khẳng định vị thế chiến lược trên bản đồ hàng không thế giới.
Không chỉ các trung tâm truyền thống tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, mà nhiều sân bay mới nổi cũng đang tạo dấu ấn rõ nét. Dallas Fort Worth ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, trong khi Tokyo Haneda và London Heathrow giữ vững vị thế nhờ sự phục hồi ổn định của các đường bay quốc tế. Một điểm sáng đặc biệt là sân bay Phố Đông Thượng Hải, nơi ghi nhận mức tăng trưởng tới 41%, nhảy vọt từ vị trí 21 lên top 10 trong vòng một năm. ACI cho biết thành công này có được nhờ chính sách mở rộng thị thực, việc nối lại các chuyến bay quốc tế và đà phục hồi mạnh mẽ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc.
Tại Mỹ, các sân bay như Denver và Chicago O’Hare duy trì tăng trưởng ổn định nhờ các hãng hàng không tập trung khai thác mạnh các trung tâm nội địa. Theo Erbacci, sự linh hoạt trong điều hành và quy mô thị trường đã giúp Mỹ phục hồi nhanh, nhưng động lực tăng trưởng tương lai sẽ dịch chuyển dần sang các nền kinh tế mới nổi.
Theo dự báo của ACI, trong thập kỷ tới, tăng trưởng đáng kể sẽ đến từ các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực châu Mỹ Latinh và châu Phi. Ngược lại, các quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu dù vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ sẽ chậm hơn. Điều này cho thấy sự chuyển dịch trọng tâm trong ngành hàng không toàn cầu – nơi những thị trường từng được coi là thứ yếu nay đang vươn mình trở thành đầu tàu mới của tăng trưởng.
Mặc dù triển vọng tươi sáng, ngành hàng không vẫn đối mặt với không ít rủi ro tiềm ẩn. Erbacci lưu ý sự bất ổn kinh tế, căng thẳng địa chính trị, và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng máy bay đều có thể tác động tới nhu cầu di chuyển và năng lực khai thác. Ông đặc biệt nhấn mạnh các yếu tố như thuế quan và chính sách thương mại quốc tế có thể ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi mà ngành đang kỳ vọng.
Dù còn nhiều rủi ro, ông vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành hàng không. Những tín hiệu phục hồi rõ nét từ cả thị trường cũ và mới đang củng cố niềm tin vào một chu kỳ tăng trưởng mới, với dự báo lưu lượng hành khách toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2045.
Tùng Lâm