|
Nhà ga Cát Linh. |
Ngày 6/11, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông được đưa vào sử dụng và thu hút sự chú ý của người dân Thủ đô. Những ngày qua lượng hành khách tới ga lên tới cả trăm nghìn người, đồng thời phát sinh nhu cầu về trông, giữ phương tiện xe máy, xe đạp nên việc lập các bãi gửi xe là rất cần thiết nhằm đảm bảo thuận tiện, an toàn về tài sản của người dân.
Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân lập bãi xe tự phát “chặt chém” phí gửi xe của hành khách cao gấp nhiều lần quy định, gây phản cảm, bức xúc đối với người dân. Tuy Sở GTVT đã nhanh chóng xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhưng nhu cầu gửi xe của người dân cũng cần sớm được giải quyết.
Do đó, Sở GTVT TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị UBND các quận Đống Đa; Thanh Xuân; Nam Từ Liêm; Hà Đông và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp rà soát, đề xuất các vị trí để xe đạp, xe máy tạm thời dưới gầm cầu thang lên, xuống; các vị trí dưới lòng đường, vỉa hè theo chỉ đạo của UBND TP để phục vụ người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông, và gửi về Sở GTVT Hà Nội trước ngày 12/11.
Trước đó, theo sổ tay sử dụng tàu Cát Linh – Hà Đông, thông tin hướng dẫn về 12 điểm trông giữ xe phục vụ người dân đi tàu bao gồm: ngõ 168 Hoàng Cầu (ga Cát Linh); Toà nhà Viam số 12 Hoàng Cầu (ga La Thành); Trung tâm TDTT quận Đống Đa – số 102 Đặng Tiến Đông (ga Thái Hà); Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong số 220 đường Láng (ga Láng); Chợ xanh Thượng Đình (ga Thượng Đình); Viện công nghệ thực phẩn số 301 Nguyễn Trãi (ga Vành đai 3); Học viện y dược học cổ truyền (ga Phùng Khoang); Toà nhà SĐU 143 Trần Phú (ga Văn Quán); Bệnh viện đa khoa Hà Đông số 2 Bế Văn Đàn (ga Hà Đông); Trường THCS Văn Khê số 35 Phan Đình Giót (ga La Khê); cây xăng Văn Khê (ga Văn Khê); bến xe Yên Nghĩa cổng 1 (ga Yên Nghĩa).