|
Tài xế thổi vào máy đo chuyên dụng khi máy hiện chữ "Cảnh báo" |
Lúc 22h ngày 4/1, tổ công tác của Đội CSGT An Lạc thuộc Phòng CSGT đường bộ - Đường sắt, (Công an TP.HCM) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên QL1, cửa ngõ phía Tây TP.HCM. Tại đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra nhiều người điều khiển phương tiện ô tô, xe khách, xe tải các loại…
Theo ghi nhận, khi phương tiện vào làn đường kiểm tra, lái xe không cần xuống xe, chỉ cần nhìn CSGT và trả lời một số câu hỏi như: "Anh tên gì?, "anh có mang theo giấy tờ không?" là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ xác định được có nồng độ cồn trong hơi thở tài xế hay không.
Nếu có, máy sẽ hiện dòng chữ "Cảnh báo" thì lái xe được yêu cầu xuống xe để thổi vào máy đo nồng độ cồn chuyên dụng để xác định được cụ thể mức độ vi phạm. Nếu không có, CSGT sẽ cảm ơn và mời lái xe tiếp tục lộ trình.
Anh Nguyễn Văn chính, quê Vĩnh Long, tài xế lái ô tô 7 chỗ khi vào làn đường kiểm tra, qua vài câu trao đổi với CSGT máy cảnh báo có nồng độ cồn. Tài xế được yêu cầu xuống xe kiểm tra. Tuy nhiên tài xế Chính thổi vào máy đo nồng độ cồn thì không phát hiện. “Lúc chiều trên xe tôi có chở theo bình rượu, trong lúc di chuyển bình rượu ngã đổ nên xe vẫn còn mùi”- Tài xế Chính giải thích và được CSGT cho rời đi sau đó.
|
Lái xe không cần xuống xe, chỉ cần nói chuyện máy cũng có "Cảnh báo" khi phát hiện nồng độ cồn |
Hai trường hợp khác, tài xế lái ô tô 7 chỗ và 4 chỗ cũng bị máy “cảnh báo” nên cũng được yêu cầu xuống xe, kiểm tra nồng độ cồn nhưng cũng không phát hiện. Tuy nhiên những người đi theo trên xe thì có sử dụng bia, rượu.
Theo giải thích của 1 cán bộ tại đây “máy trang bị mới này rất nhạy, nhiều trường hợp tài xế ôtô không sử dụng bia, rượu nhưng người ngồi bên cạnh có sử dụng, khi lái xe nói chuyện với CSGT mà người bên cạnh nói chuyện thì máy cũng báo "Cảnh báo".
|
Máy trang bị mới rất "nhạy", có thể phát hiện mùi cồn trong xe dù lái xe không sử dụng |
Lúc này CSGT yêu cầu tài xế xuống xe kiểm tra định lượng để xác định mức độ vi phạm thì không có cồn. CSGT giải thích đây là do trong xe đang chở người có sử dụng rượu, bia hoặc có mùi rượu, bia trong xe.
Trong vòng 1 giờ lập chốt kiểm tra với hàng chục phương tiện ô tô trên quốc lộ 1 nhưng lực lượng chức năng không phát hiện trường hợp nào vi phạm lái xe có nồng độ cồn. Việc không vi phạm nồng độ cồn khi lái xe này cho thấy các tài xế đã bắt đầu nhận thức được nguy hiểm từ bia, rượu và hiệu quả từ nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Nghị định 100 được ban hành thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, nghị định 100 quy định mức xử phạt cao nhất đối với người lái ôtô vi phạm từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng.
Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng.
Với người chạy xe đạp, xe thô sơ mức phạt 400.000 - 600.000 đồng.
Nghị định 100 cũng tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông như: sử dụng chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc. Nghị định 100 bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm…