Không ký biên bản, bực tức, to tiếng khi bị xử phạt
Đó là thái độ của người vi phạm khi bị Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) xử lý lỗi điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia chiều 1/6 vừa qua.
Ghi nhận của PV đầu giờ chiều 1/6, Tổ công tác của Đội CSGT số 1 phát hiện anh Mai Thanh N. (nơi ở Phước Long, Bình Phước) điều khiển xe máy, nhưng trong hơi thở có nồng độ ở mức trên 0,5mg/lít (vượt mức xử phạt kịch khung 0.4mg/lít khí thở).
Khi được cán bộ chiến sĩ Đội CSGT số 1 đưa về trụ sở để xử lý vi phạm, anh N. có dáng vẻ khật khưỡng, mặt đỏ, chân đi không vững.
Trong quá trình cán bộ lập biên bản, anh N. đã rời khỏi trụ sở để đi… uống nước. Đến khi được giải thích rõ về lỗi vi phạm, yêu cầu về ký biên bản thì anh N. to tiếng, thái độ vùng vằng, vò các biên bản đã ký (phần của người vi phạm giữ).
Anh N. cho rằng từ Bình Phước ra Hà Nội để thăm anh em họ hàng, có uống một chút rượu chứ không đến mức quá say. Tuy nhiên, với những con số cụ thể trên máy đo nồng độ cồn chuyên dụng của lực lượng chức năng, anh N. buộc phải ký vào biên bản xử phạt hành chính với mức kịch khung.
Một trường hợp khác cũng được Tổ công tác chuyên đề Đội CSGT số 1 phát hiện trong chiều cùng ngày là anh Cao Mạnh H. (ở Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) điều khiển mô tô trong tình trạng mặt đỏ bừng, có dấu hiệu sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng đã yêu cầu anh H. về trụ sở làm việc. Anh H. trình bày mình là luật sư, đi gặp bạn bè nên có uống chút rượu và mong “được bỏ qua”.
”Xin” không được, anh H. lớn tiếng thắc mắc về quy trình làm việc của CSGT và yêu cầu xét nghiệm thành phần nước bọt trong ống thổi của mình, nếu không đúng sẽ viết đơn kiện.
Trước những hành động chỉ trỏ mất bình tĩnh, to tiếng mang tính… thách thức của anh H., các cán bộ CSGT trong tổ công tác kiên trì khuyên bảo, đồng thời đưa ra những đoạn video ghi hình đầy đủ quá trình từ khi phát hiện anh H. có dấu hiệu vi phạm đến khi về trụ sở công an làm việc.
Trước những chứng cứ rõ ràng bằng hình ảnh, âm thanh, anh H. buộc phải thừa nhận lỗi vi phạm của mình. Tuy nhiên, anh H. không ký vào biên bản tạm giữ phương tiện cũng như giấy tờ niêm phong xe mô tô.
Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an TP Hà Nội, hằng ngày, các tổ công tác kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại 15 đội CSGT địa bàn thực hiện tuần tra theo đúng kế hoạch.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, cán bộ Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT), hiện đang là thời điểm nghỉ hè, các phụ huynh có tư tưởng cho con cái “xả hơi” sau thời gian học tập; thậm chí chính các bậc phụ huynh đưa con đi nghỉ dưỡng ở Hà Nội cũng gặp gỡ, giao lưu với nhau. Điều này phát sinh tình trạng điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia, trong hơi thở có nồng độ cồn.
Để ngăn chặn những trường hợp va chạm, TNGT có nguyên nhân từ rượu bia, từ thực tế trên tổ công tác chuyên đề của Đội CSGT số 1 tập trung xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Với đặc thù phố cổ ngõ ngách, đường ngang nên không thể cắm chốt vi phạm nồng độ cồn tại một điểm, nên Tổ công tác chuyên đề của Đội CSGT số 1 phân công kiểm tra di chuyển trên đường để xử lý.
Khi xử lý vi phạm lỗi về nồng độ cồn, những trường hợp người vi phạm không được tỉnh táo do tác động mạnh của rượu bia thì sẽ có nhiều hành động chống đối như to tiếng, chửi mắng, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, nhẹ hơn thì thắc mắc về ống thổi có đảm bảo tiêu chuẩn không, có bằng chứng vi phạm không hoặc bỏ đi nơi khác, không ký biên bản…
Trong quá trình xử lý, cán bộ CSGT đều giải thích ống thổi dùng cho từng người, đồng thời cho xem hình ảnh ghi nhận ở thời điểm lực lượng chức năng phát hiện vi phạm để tránh trường hợp cự cãi; Phân tích hành vi vi phạm, tuyên truyền cho người dân hiểu để nhận ra lỗi của mình.
Cụ thể, với trường hợp của anh N. điều khiển xe mô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lít khí thở, theo Nghị định 123, bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. (Điểm c Khoản 7 Điều 6); Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6) và tạm giữ phương tiện.
Trường hợp của anh điều khiển xe mô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lit khí thở, bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 6), tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).
Được biết, để tạo chuyển biến về ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn TP, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) khẳng định, từ nay đến hết năm 2022, các tổ chuyên đề, các tổ công tác 141 và các đội Cảnh sát giao thông địa bàn sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín các khung giờ. Đặc biệt, việc xử lý không có vùng cấm với bất kỳ ai nhằm mục tiêu góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy.