|
Quang cảnh lễ đón tân sinh viên năm 2020 của Khoa Công trình |
Chúc mừng tân sinh viên K61, lãnh đạo Khoa Công trình ôn lại truyền thống đáng tự hào của khoa đồng thời lưu ý, bắt đầu từ ngày hôm nay các bạn bước vào một giai đoạn mới, rất đặc biệt của cuộc đời, đó là các giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi ra đời làm việc, cống hiến cho xã hội. Các thầy cô mong muốn tân sinh viên K61 hãy luôn nỗ lực, cố gắng học tập, nghiên cứu và không ngại theo đuổi những ước mơ, hoài bão của mình để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của nhà trường và Khoa Công trình. Buổi lễ hôm nay nhằm mang đến cho các bạn sinh viên một tinh thần hứng khởi, tràn đầy năng lượng để bắt đầu 1 năm học với nhiều thành tựu mới.
Trường Đại học Giao thông vận tải có sứ mạng là cái nôi đào tạo cho ngành Giao thông vận tải và đất nước những cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực và lòng yêu nghề, có khả năng sáng tạo và tính nhân văn mang lại những lợi ích với chất lượng tốt nhất cho cộng đồng và xã hội.
Với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong ngành giao thông vận tải, hàng chục năm qua Khoa Công trình được giao sứ mạng, có vai trò đầu tàu chủ lực cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông; phát triển năng lực học tập, nghiên cứu của sinh viên; rèn luyện kỹ năng làm việc và lối sống văn minh trong môi trường hiện đại; chuyển giao những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong thời gian qua, nhà trường đã mở ra nhiều chuyên ngành đào tạo. Nếu như trước đây chỉ có đào tạo về đường sắt nay đã có thêm chuyên ngành đường sắt đô thị, đường hầm và metro. Một số ngành, chuyên ngành mới như: Ngành kỹ thuật xây dựng, ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy; chuyên ngành: Công trình giao thông đô thị Việt-Nhật, cầu-đường ô tô và sân bay... Tất cả những sự đổi mới đó của nhà trường nói chung và Khoa Công trình nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và bền vững ngành giao thông vận tải và đất nước.
Chia sẻ với vai trò cựu sinh viên của khoa và nhà trường, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu nhận định: Chất lượng nguồn nhân lực ngành GTVT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhiều công trình vẫn phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát, vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình cao trên 50 tầng… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp xây dựng trong nước không cạnh tranh nổi khi đấu thầu nhiều dự án trong và ngoài nước. Ông Lê Trung Hiếu nhấn mạnh, vì vậy, một vấn đề bức thiết là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đánh giá trường Đại học Giao thông vận tải là 1 trong những đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội mong muốn: Dù bước vào ngưỡng cửa đại học, mọi thứ thay đổi - hỗn độn hơn, chúng ta có nhiều câu hỏi mà chưa thể trả lời, nhiều thách thức mà ta chưa thể vượt qua nhưng các bạn hãy luôn giữ trong mình sự lạc quan, quyết tâm và không được đầu hàng, bỏ cuộc.
"Chúng ta được mở rộng tầm mắt, được tiếp cận với tri thức rộng lớn hơn, các bạn hãy tạo dựng, luyện tập cho mình những thói quen tốt, chịu khó tìm tòi, khám phá nguồn tri thức trên giảng đường đại học", ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Thời gian qua, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã liên tục ký biên bản ghi nhớ đối tác chiến lược với các trường đại học (trong đó có trường Đại học Giao thông vận tải), về nghiên cứu khoa học công nghệ, tiếp nhận sinh viên thực tập, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ông Lê Trung Hiếu nhận định, chiến lược trên sẽ giúp đơn vị có được nguồn nhân lực kỹ thuật cao tại nguồn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công việc, đồng thời giúp các sinh viên có kinh nghiệm thực tế ngay sau khi rời ghế nhà trường.
Vừa qua, tác phẩm “Để Hà Nội có một giao lộ leng keng” của ông Lê Trung Hiếu đã nhận được nhận giải đặc biệt cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình” năm 2020.
|