Quận Đống Đa: Hiệu quả từ mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, với sự nỗ lực của chính quyền, nhà trường cùng các ban, ngành của quận Đống Đa, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đang được triển khai quyết liệt và bước đầu đạt kết quả tích cực.

Quan Dong Da: Hieu qua tu mo hinh “Cong truong an toan giao thong” - Hinh anh 1
Phụ huynh chờ đón học sinh đúng khu vực trường Tiểu học Lý Thường Kiệt quy định.

“An toàn tới trường, đường tới tương lai”

Chuyện ùn tắc giao thông ở các cổng trường của Hà Nội mỗi giờ đưa, đón trẻ đến và tan trường không còn xa lạ, dù là một câu chuyện cũ nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số cổng trường trên địa bàn quận Đống Đa, sau giờ tan học, xe đưa đón học sinh được sắp xếp ngay ngắn, đúng nơi quy định, đường thông, hè thoáng và không gây ra tình trạng tắc nghẽn.

Tại trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Văn Miếu) - đây là một trong những trường học của quận mới đưa vào triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Ghi nhận cho thấy, tất cả các phụ huynh khi đưa và đón học sinh đều phải tuân thủ theo đúng quy định. Những vạch kẻ nơi đỗ xe đón học sinh được nhà trường thiết lập và được phụ huynh ủng hộ.

Cô Đặng Thị Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết, năm học 2019 - 2020, nhà trường cùng các ngành chức năng quận đã tập trung chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông bằng việc xây dựng các mô hình và biện pháp tuyên truyền. Đồng thời, trang bị cho các em kỹ năng, cách xử lý tình huống để phòng tránh rủi ro khi tham gia giao thông với thông điệp “An toàn tới trường, đường tới tương lai”. 

Ngoài ra, với vị trí của trường có hai tuyến đường Nguyễn Khuyến và Nguyễn Thái Học chạy qua thì đều không có vỉa hè hoặc rất bé. Vì vậy, sau khi nghiên cứu, tự cán bộ, nhân viên nhà trường thực hiện kẻ vẽ vạch đỗ xe tạo thuận lợi cho phụ huynh đón học sinh. Bên cạnh việc hướng dẫn thì cán bộ, giáo viên nhà trường đều tích cực tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về quy định khi tham gia giao thông và đưa đón. Đồng thời, trường đã bố trí giãn giờ tan học của các khối lệch nhau từ 5 - 7 phút và phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dạy tiết học cuối hướng dẫn học sinh xếp hàng khi tan học tạo thuận lợi cho phụ huynh đến đón. Sau gần một tuần triển khai mô hình, ghi nhận cho thấy đã làm thay đổi đáng kể về ý thức tham gia giao thông của phụ huynh, học sinh.

“Từ ngày nhà trường triển khai mô hình này chúng tôi đã được hướng dẫn đỗ xe đúng nơi quy định nên việc đón con được nhanh hơn. Tôi nghĩ rằng cần nhân rộng mô hình này để tạo thói quen, ý thức chấp hành giao thông không chỉ cho học sinh mà cả với phụ huynh” - chị Quản Thị Ngọc Anh có con học tại lớp 1A2 trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết.

Thực hiện 100% tại ba khối trường

THCS Đống Đa (phường Kim Liên) là trường có số học sinh thuộc loại đông nhất trên địa bàn quận với gần 3.000 học sinh, Hiệu trưởng nhà trường Đinh Thị Vân Hồng cho biết, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền về luật giao thông cho học sinh từ thời điểm trước, hiện nay nhà trường đang triển khai song song với mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Với việc sắp xếp hợp lý khu vực dành cho phụ huynh đỗ xe để đón học sinh, sau hơn một tháng triển khai đã góp phần rất tích cực trong việc đảm bảo an toàn giao thông khu vực cổng trường mỗi giờ tan học. 

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng, hiện mô hình này đang được quận triển khai 100% tại ba khối trường (mầm non, tiểu học và THCS) trên toàn quận, để góp phần kiềm chế tai nạn, va chạm giao thông ở trẻ em theo chủ đề năm ATGT 2019 đã đề ra. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh cùng tham gia để duy trì nề nếp mô hình này.

Có thể nói, hiệu quả của mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại quận Đống Đa được thấy rõ khi nguy cơ ùn tắc và các vụ tai nạn giao thông được hạn chế. Những cổng trường an toàn giao thông đang lan tỏa được tính hiệu quả, tích cực và cần được nhân rộng.

Nguyên Bảo

Tin liên quan