Nhiều tuyến đường ngập sâu
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, thời tiết tại Quảng Nam trong hai ngày 20 và 21/10 có mưa rất to. Đặc biệt đêm và sáng 21/10 tiếp tục có mưa to và rất to một số khu vực trên địa bàn TP Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành hay Tiên Phước.
Mưa lớn khiến một số tuyến đường tại TP Tam Kỳ như Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trưng Nữ Vương, Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh… ngập sâu từ 0,3-0,5m. Các phương tiện tham gia giao thông qua tuyến đường này gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể di chuyển. Chưa kể, nước dâng cao khiến các quán ăn, cửa hàng không thể mở cửa buôn bán.
Mưa lớn còn gây cản trở giao thông một số tuyến đường xuống cấp đi qua địa phận huyện Thăng Bình như Tiểu La, Quốc lộ 14E. Một số khu vực nhiều “ổ gà, ổ voi” nước ngập lênh láng gây khó khăn cho người đi đường, nguy cơ lớn xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Sinh, cư dân TP Tam Kỳ, cho biết địa bàn hiện có mưa rất to. Sáng nay, nhiều người ra đường gặp khó khăn, và bản thân ông phải dắt bộ xe khoảng 100 mét để đảm bảo an toàn. Một số người dân không quen địa hình đã đi vào khu vực nước sâu khiến xe chết máy và phải mang đi sửa.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 6 giờ qua, các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to như Tam Trà (huyện Núi Thành) 121mm, thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) 54mm, thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) 82mm, TP.Tam Kỳ 65mm, thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành) 40mm…
Cảnh báo nguy cơ ngập lụt và sạt lở
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cảnh báo cần đề phòng sét và gió giật mạnh trong cơn dông; mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng thấp trũng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi. Các cấp, ngành, địa phương chú ý theo dõi, chủ động phương án phòng tránh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở, dông sét, gió giật mạnh gây ra.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo, cảnh báo về mưa lớn và sạt lở đất. Thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng có nguy cơ cao; chủ động bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường ngập sâu, hồ chứa nước, khu vực chảy xiết.
Liên quan đến công trình giao thông tại vùng núi và ven biển, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải có các biện pháp chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện đi lại, thiết bị và vật tư công trình.
Hiện thời tiết trên biển cũng rất phức tạp, vì vậy cần thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động để nắm thông tin, chủ động phòng tránh và có kế hoạch phù hợp, đảm bảo an toàn; duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xuyên xuất hiện tình trạng sạt lở ở những khu vực vùng núi cao. Gần nhất là huyện Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang… khiến hàng trăm hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhiều lần đi kiểm tra và đưa ra các giải pháp cụ thể.
Tấn Việt