Quy định mới về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe

KHẢI HOÀ
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa ký ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Quy dinh moi ve quan ly, hoat dong cua Tram kiem tra tai trong xe - Hinh anh 1
 Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ. 

Theo đó, Thông tư gồm 16 điều quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Thông tư nêu rõ, hoạt động kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ được tiến hành công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Việc kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ được thực hiện thông qua: Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định có hệ thống thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới lắp đặt cố định trên đường bộ, thiết bị ghi hình và các thiết bị phụ trợ khác; trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động có hệ thống thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới không lắp đặt cố định trên đường bộ và các thiết bị phụ trợ khác; thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới lắp đặt cố định trên đường bộ; vị trí lắp đặt độc lập hoặc kết hợp với Trạm thu phí; thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới (cân xách tay) của lực lượng chức năng có thẩm quyền; hệ thống giám sát, quản lý tập trung dữ liệu tải trọng xe của ngành giao thông vận tải trên các hệ thống đường bộ cả nước do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành, khai thác; các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thông tư nêu rõ hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định do cơ quan quản lý đường bộ quản lý, vận hành. Trạm hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ. Trường hợp vì lý do sự cố kỹ thuật hoặc thiên tai, Trạm phải tạm ngừng hoạt động, đơn vị trực tiếp quản lý Trạm phải có văn bản (hoặc gửi qua Fax, thư điện tử) báo cáo ngay cho cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp quản lý Trạm; thời gian báo cáo không chậm quá 1 ngày kể từ khi Trạm tạm ngừng hoạt động.

Người trực tiếp vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe được Cơ quan quản lý đường bộ bố trí phải đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ theo quy định. Lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sử dụng kết quả thu được từ Trạm kiểm tra tải trọng xe để phát hiện, xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định yêu cầu của Trạm kiểm tra tải trọng xe khi đưa vào hoạt động phải đáp ứng Quy chuẩn Trạm kiểm tra tải trọng xe; có thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đo lường; dữ liệu kết quả của Trạm (trừ dữ liệu kết quả của cân xách tay) phải được kết nối với hệ thống quản lý dữ liệu kiểm tra tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2022, bãi bỏ Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Tin liên quan