Vừa qua, trên mạng xã hội đã lan truyền clip có hình ảnh một xe máy chở nước khi đang tham gia giao thông trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) đã phát hiện xe máy khác đang di chuyển ngược chiều.
Do vướng vật cản, xe máy chở nước không kịp tạt vào tránh đường cho xe buýt đi từ phía sau đến và bị xe buýt quệt phải. Rất may không có tai nạn nghiêm trọng xảy ra, tuy nhiên hành động của người điều khiển phương tiện lưu thông 1 chiều là rất đáng lên án, cần phải được xử lý nghiêm.
|
Hình ảnh xe chạy ngược chiều trên đường Phạm Hùng |
Thực tế cho thấy, hành vi đi ngược chiều diễn ra khá phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Trên các tuyến đường nội đô, hành vi đi ngược chiều của các loại xe máy, xe đạp, thậm chí là ô tô thường xuyên diễn ra.
Hành vi đi ngược chiều có thể gây ra những vụ va chạm giao thông, thậm chí còn có thể xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt nếu các phương tiện vi phạm là xe ô tô và lưu thông trên đường cao tốc.
Việc đi ngược chiều không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với các phương tiện tham gia giao thông khác và còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” quy định: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều” sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng.
Điều 6 Nghị định này quy định: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy đi ngược chiều trên đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều” sẽ bị phạt từ 300-400 ngàn đồng.
Thiết nghĩ, mỗi người tham gia giao thông cần tự giác nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật nói chung và tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng nhằm xây dựng một môi trường văn hóa giao thông an toàn văn minh trong đô thị.