|
Lực lượng CSGT lập biên bản xử lý người vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Ảnh minh họa |
Thực tiễn phát sinh
Theo báo cáo tóm tắt về dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ của Bộ Công an, sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bên cạnh những kết quả đã đạt được còn phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực.
Thứ nhất, tình hình trật tự, ATGT đường bộ trong những năm vừa qua tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, TNGT vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, từ năm 2009 đến 2021, toàn quốc xảy ra 361.636 vụ TNGT đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu người thuộc độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.
Tình trạng mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông, đáng chú ý, nguyên nhân gây TNGT do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Từ đó, Bộ Công an nhấn mạnh tình hình an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.
Tình trạng vi phạm khi tham gia giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Theo thống kê, từ năm 2009 đến năm 2021, lực lượng chức năng đã xử lý trên 65 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước 33.235 tỷ đồng, xảy ra 596 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, ATGT.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cho rằng hiện nay 3 lĩnh vực ATGT, kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.
Lo mất tính đồng bộ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền, nếu Luật Giao thông đường bộ được tách ra thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ sẽ làm mất tính đồng bộ, thống nhất của Luật khi mà cả 2 Luật đều trong tình trạng giữa tên gọi và nội dung không phù hợp với nhau.
Trong đó, Luật Đường bộ bị thiếu 2 thành tố cơ bản là phương tiện giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; thiếu quy tắc để điều chỉnh hoạt động giao thông.
Còn Luật Trật tự ATGT đường bộ lại không có 2 nội dung quan trọng là đảm bảo an toàn giao thông trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Vì vậy, việc tách thành 2 luật như dự kiến là không phù hợp, không cần thiết và sẽ phát sinh những chồng chéo, mâu thuẫn và lãng phí trong quá trình thực hiện.
Việc chia tách đó sẽ phá vỡ sự đồng bộ của Luật chuyên ngành, gây ra sự đảo lộn không cần thiết và sẽ tiềm ẩn những sự khác biệt, lệch pha giữa hai Luật, đồng thời gây thêm khó khăn trong việc tổ chức tuyên truyền, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật khi phải cùng lúc tham chiếu cả Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ.
Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội (HAPTA) cũng kiến nghị không tách Luật giao thông đường bộ. Theo Chủ tịch HAPTA Nguyễn Trọng Thông, việc cần là sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ cho hoàn thiện, phù hợp với giai đoạn mói và thông lệ quốc tế.
Chủ tịch HAPTA lo ngại rằng nếu đề xuất đề xuất xây dựng luật Đường bộ mới được thông qua sẽ trở thành tiền lệ, dẫn đến phát sinh các luật ATGT tương ứng cho các hệ thống đường sắt, đường thủy và hàng không.
“Quốc hội Khóa XIV đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, kết quả đã công bố rộng rãi với cử chi cả nước là 62,79 % số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 bộ luật, nay nếu không đưa ra được các cơ sở, căn cứ khoa học và thực tiễn có đủ thuyết phục thì không nên tiếp tục việc này”, Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Quyền. |