Thế nhưng, suốt một thời gian dài, Bộ GTVT vẫn bất lực trong việc truy thu số tiền mà chủ đầu tư BOT Đèo Ngang thu vượt hợp đồng để trả lại cho ngân sách Nhà nước.
Màn “tấu hài” khó hiểu
Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang (gọi tắt là BOT Đèo Ngang) có tổng mức đầu tư dự án là 150,021 tỷ đồng, được Bộ GTVT và Tổng Công ty Sông Đà ký hợp đồng vào năm 2002. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 10/2004 và có thời gian hoàn vốn theo hợp đồng BOT là 18 năm 5 tháng.
BOT Đèo Ngang thu phí quá thời hạn đến 2 năm.
|
Trong quá trình hoạt động, do lưu lượng giao thông thực tế qua trạm thu phí Đèo Ngang tăng cao so với dự kiến trong hợp đồng (khoảng 112%/năm), đồng thời, giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư (132 tỷ đồng/150 tỷ đồng) nên thời gian thu phí hoàn vốn được rút ngắn khoảng 7 năm 10 tháng so với hợp đồng, kết thúc thu phí khoảng tháng 4/2015. Tuy nhiên, Tổng Công ty Sông đà đã cố tình thu phí đến tháng 12/2016, vượt thời gian so với hợp đồng tới gần 2 năm.
Từ khi BOT Đèo Ngang dừng thu phí đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã không ít lần yêu cầu Tổng Công ty Sông Đà chuyển vào ngân sách Nhà nước khoản thu vượt hợp đồng nhưng nhà đầu tư này vẫn chây ì không thực hiện. Chỉ đến khi Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an vào cuộc, màn “tấu hài” giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng Công ty Sông Đà mới có hy vọng chấm dứt. Trong công văn hỏa tốc số 3112/BGTVT-ĐTCT ngày 4/4/2019 phúc đáp cơ quan công an, Bộ GTVT cho biết, ngày 22/3/2019, Tổng Công ty Sông Đà đã nộp số tiền hơn 57 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước (trong tổng số 88,37 tỷ đồng thu vượt).
Nhiều bất thường
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc để cho dự án BOT Đèo Ngang thu phí quá thời hạn đến gần 2 năm là sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, giám sát của Bộ GTVT cũng như Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
“Sai phạm này cần phải được xử lý nghiêm. Phải thu hồi lại toàn bộ tiền thu vượt trả lại cho Nhà nước và phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, nếu không sẽ khiến người dân mất niềm tin và các DN khác không mặn mà với các dự án BOT giao thông trong tương lai” – TS Cao Sỹ Kiêm nói và nhấn mạnh, vai trò, trách nhiệm lớn nhất trong sai phạm ở dự án BOT Đèo Ngang chính là Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hai đơn vị này vừa trực tiếp phê duyệt dự án, vừa giám sát, quản lý quá trình hoạt động của dự án sau khi hoàn thành xây lắp.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, không thể có chuyện một dự án BOT giao thông “lừng lững” như thế thu quá thời hạn quy định đến gần 2 năm nếu không có sự buông lỏng hoặc tiếp tay của các cơ quan quản lý Nhà nước.
TS Nguyễn Xuân Thủy cũng nhận định có nhiều việc bất thường trong sai phạm tại dự án BOT Đèo Ngang. Trước hết là việc một DN đứng ra thực hiện dự án BOT giao thông đầu tiên ở nước ta, lại dám “cả gan” thu vượt thời hạn tới 2 năm. Thứ hai là phản ứng chậm chạp của cơ quan quản lý trong việc phát hiện và xử lý sai phạm của nhà đầu tư dự án.
“Tại sao Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ biết Tổng Công ty Sông Đà thu vượt đến gần 2 năm mà không có biện pháp can thiệp kịp thời?” – TS Nguyễn Xuân Thủy thắc mắc. Từ những bất thường trên, chuyên gia giao thông này nghi vấn có dấu hiệu lợi ích nhóm trong sai phạm ở dự án BOT Đèo Ngang, chứ không đơn thuần chỉ là việc DN cố tình thu vượt thời gian (?!).
Ngày 17/5/2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản số 2832/TCĐB-QLBTĐB gửi Bộ GTVT và các Vụ Đối tác công - tư, Tài chính (thuộc Bộ GTVT) trong đó đề xuất lấy một phần chi phí tháo dỡ Trạm thu phí hầm Đèo Ngang (tổng chi phí tháo dỡ trạm là 840 triệu đồng) từ Dự án QL1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh, cũng đầu tư theo hình thức BOT. Đề xuất này khiến nhiều người “ngã ngửa” bởi sự vô lý của nó. |