Vụ TNGT tại khúc cua trên đèo Bảo Lộc tháng 2/2021. Ảnh: Trùng Dương
|
Số người chết tăng
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo trật tự, ATGT, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, 3 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 3.206 vụ TNGT, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ TNGT giảm 263 vụ (7,58%), số người chết tăng 33 người (2,01%), số người bị thương giảm 183 người (7,12%). Đặc biệt, TNGT đường bộ tăng cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương.
Điển hình như vụ TNGT tại Thanh Hóa, ngày 22/3 làm 7 người chết; 2 vụ TNGT ngày 16/3 tại Hòa Bình và Nghệ An làm 5 người chết và 3 người bị thương; vụ TNGT ngày 26/3 trên QL3 làm 3 người chết và 1 người bị thương... Có 30 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 9 địa phương giảm trên 30% số người chết. Tuy nhiên, vẫn còn 30 địa phương có số người chết do TNGT tăng, trong đó 16 tỉnh tăng trên 30%. Đáng lưu ý là 5 tỉnh có số người chết tăng từ 70% trở lên gồm: Lâm Đồng, Hà Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Quảng Bình.
Còn tại Hà Nội, trong quý I/2021, đã xảy ra 212 vụ TNGT, làm 85 người chết, 133 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020, TNGT giảm 19 vụ (8,23%), giảm 22 người chết (20,56%), giảm 7 người bị thương (5%). Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã xử lý, khắc phục được 8/18 điểm đen về TNGT; 1/37 điểm UTGT, phấn đấu trong năm 2021 sẽ giải quyết được 10 điểm UTGT.
Theo báo cáo, Thanh tra Bộ GTVT đã chủ trì triển khai 11 đoàn thanh, kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện gần 7.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính trên 7.200 trường hợp, xử phạt hành chính trên 25,6 tỷ đồng, tạm giữ 28 ô tô, đình chỉ hoạt động 43 bến thủy nội địa, 21 phương tiện thủy nội địa. Lực lượng CSGT các địa phương đã xử lý trên 853.000 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 828 tỷ đồng; tước trên 81.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ gần 150.000 phương tiện các loại.
Phải tìm ra nguyên nhân
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các cấp, ngành tập trung đánh giá đúng thực trạng tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp đảm bảo ATGT trên QL1 và các tuyến quốc lộ trọng điểm để kéo giảm TNGT. “Cần đánh giá rõ nguyên nhân TNGT tăng là do trạng thái tâm lý sau giãn cách hay do ý thức, văn hóa giao thông, do lãnh đạo quản lý Nhà nước hay do hạ tầng xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến thực trạng trên, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, một số địa phương thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT còn chưa đồng bộ, một số bộ phận thiếu quyết liệt, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm diễn ra Tết Nguyên đán, dẫn đến TNGT tăng cao trong quý I. “Vẫn xảy ra một số vụ TNGT do nguyên nhân uống rượu bia; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài; tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải” - ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.
Đồng thời cho biết, Bộ Công an, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia và 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã xây dựng Kế hoạch về tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT Tết dương lịch và Tết Tân Sửu năm 2021. Tính đến 31/3, đã có có 7 cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia và 11 tỉnh, TP đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai chiến lược bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030. Hiện một số bộ, ngành và tỉnh, TP đang xây dựng dự thảo và xin ý kiến các đơn vị để hoàn thiện, ban hành kế hoạch triển khai chiến lược bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030.
Truy tố hành vi gây mất an toàn giao thông
Nhằm giảm thiểu tai nạn, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đã kiến nghị 4 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin và thực hiện cải cách hành chính vào công tác bảo đảm trật tự, ATGT, thực hiện việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ xử phạt vi phạm hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Thứ hai, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã có Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 - CT/TW, và Nghị quyết số 12/NQ - CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự, ATGT giai đoạn 2019 - 2021. “Đề nghị Ủy ban ATGT các tỉnh, TP phải bám sát đề cương để chỉ đạo, lãnh đạo đối với công tác ATGT, rút kinh nghiệm những việc đã làm tốt, những việc cần khắc phục” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Thứ ba, Bộ Công an sẽ chỉ đạo mở các cao điểm về đảm bảo ATGT mạnh mẽ, sát tình hình thực tế, trong đó đồng bộ các giải pháp cả xử lý vi phạm lẫn tuyên truyền. Việc tuyên truyền tập trung ở các nhóm hành vi, nhóm đối tượng, khu vực sẽ khác nhau để dễ tiếp cận, thực hiện hơn. Cùng với việc xử lý, sẽ tăng cường phối hợp, gắn trách nhiệm giữa 3 ngành: Công an, Kiểm sát, Tòa án để điều tra, truy tố các hành vi gây mất ATGT.
Thứ tư, đề nghị Bộ GTVT, Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, TP rà soát lại tất cả kiến nghị để chắt lọc, ưu tiên những kiến nghị nào cần khắc phục, xử lý trước, những việc gì cần làm sau để thực hiện.
UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức Lễ ra quân Năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” nhằm tạo khí thế mới để triển khai các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn địa bàn TP ngay từ ngày đầu của năm mới 2021. Cụ thể hóa mục tiêu đó, UBND TP đã ban hành 2 kế hoạch và trên 60 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp giảm tai nạn giao thông và UTGT, gắn với phòng, chống dịch Covid-19. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo báo Kinh tế & Đô thị, Sở GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động Chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô năm 2021”, triển khai Cuộc thi ATGT trên Internet đến toàn bộ học sinh các cấp học trên địa bàn TP, nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn
|
Các địa phương cần xem xét sử dụng cameara giám sát để xử phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Phải có không gian cho người đi bộ mới có thể phát triển được vận tải công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
|