Ngày 16/4, thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong quý I/2020 tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ (-13,92%), số người chết (-13,96%), và số người bị thương(-18,21%). Bên cạnh đó năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn một số tồn tại cần khắc phục kịp thời; còn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn còn nhiều; dư luận và báo chí phản ánh tình trạng vi phạm trọng tải xe ô tô chở hàng hoá có dấu hiệu tái diễn phức tạp, nghiêm trọng tại một số địa phương; tai nạn giao thông đường thuỷ tăng cao so với cùng kỳ năm 2019; tái diễn hiện tượng đua xe trái phép, uy hiếp an toàn giao thông và an ninh trật tự ở một số địa phương…
Đáng chú ý, 16 tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng trong quý I/2020. Đặc biệt, 7 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng hơn 20%, gồm: Ninh Thuận, Cao Bằng, Bến Tre, An Giang, Phú Yên, Bắc Kạn, Bạc Liêu. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 3, tai nạn giao thông tăng 33% về số vụ, tăng 46% về số người chết so với tháng 3 năm 2019.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại trên, là do từ khi cả nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19, một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức khi cho rằng lực lượng chức năng tập trung phòng, chống dịch bệnh, giảm tuần tra, xử phạt dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là, lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, sai phần đường, làn đường, lạng lách, đua xe trái phép, vượt đèn đỏ, đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm… gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông có hậu quả rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tình hình người dân sử dụng phương tiện thuỷ cỡ nhỏ, thô sơ, vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra, cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II/2020. Trong đó, yêu cầu Ủy ban Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đôn đốc các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ đường sắt, nắm bắt và xử lý kịp thời các vấn đề về an toàn giao thông trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bộ Giao thông vận tải phải đảm bảo tiến độ chất lượng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Bên cạnh việc triển khai Nghị định số 10 quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ Giao thông vận tải phải đảm bảo giao thông thông suốt, hiệu quả trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.
Đối với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo công an địa phương tăng cường lực lượng, xử lý nghiêm vi phạm, cương quyết trừng trị các đối tượng chống người thi hành công vụ.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, tiếp tục thiết lập lại và duy trì kỷ cương giao thông đô thị, ưu tiên sử dụng vỉa hè cho người đi bộ, xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch đô thị gây mất trật tự an toàn giao thông đô thị.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các giải pháp tuyên truyền giáo dục và bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên đến trường ngay sau khi hết dịch, trong thời gian nghỉ hè và kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2020.