Tăng cường đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thủy

THANH BÌNH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ GTVT vừa ban hành Kế hoạch phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm ATGT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tang cuong dau tu phuong tien cho container tren duong sat, duong thuy - Hinh anh 1
Tăng cường đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thủy.

Kế hoạch hướng tới việc thực hiện tốt các mục đích, yêu cầu của Chương trình hành động Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GTVT đề ra. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh trong việc tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng vận tải hành khách, hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.

Cùng với đó là từng bước cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên phát triển thị phần các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Kế hoạch của Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành GTVT; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT, tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật về GTVT.

Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông; đẩy mạnh việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiêu liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh để giảm ô nhiễm môi trường.


Đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế về vận tải đã ký kết, tham gia; nghiên cứu sửa đổi thỏa thuận, điều ước quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường kết nối, tạo thuận lợi qua biên giới. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện giao thông theo lộ trình của Chính phủ về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành GTVT.

Để đạt được các mục tiêu, trong thời gian tới, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc cần chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp chủ yếu, như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện hàng loạt biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành GTVT; nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về vận tải.

Đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GTVT nhấn mạnh yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động vận tải của tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, các quy định về đảm bảo trật tự ATGT.

Xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng xe, việc quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, việc cấp và sử dụng phù hiệu, kê khai, niêm yết giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải....

Tin liên quan