Tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét

MINH QUÂN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa ban hành Công điện về chủ động ứng phó, khắc phục với mưa lớn cục bộ ở khu vực từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.

Tap trung kiem tra, ra soat cac khu vuc co nguy co ngap lut, sut lo dat, lu quet  - Hinh anh 1
Tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét. 

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia những ngày qua ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to; khu vực từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Quảng Nam có mưa to đến rất to.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.

Để kịp thời khắc phục các thiệt hại do mưa gây ra, bảo đảm giao thông thông suốt, Cục ĐBVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa; bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao, đò ngang; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở…


Cục ĐBVN cũng yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ II, III, IV, các sở GTVT, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, các ban QLDA tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ ở khu vực trung du và miền núi.

Cùng với đó là thực hiện phương châm 4 tại chỗ để khi nước rút đến đâu khẩn trương khắc phục sự cố hư hỏng đến đó; tập trung hót dọn đất đá ở các vị trí sụt lở ta luy dương.

Đối với các vị trí sạt lở lớn tắc giao thông, các cơ quan, đơn vị phải cử ngay lãnh đạo phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương đến hiện trường, triển khai ngay phương án phân luồng giao thông từ xa; khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất.

Yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h; đồng thời phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương tổ chức lực lượng ứng cứu bảo đảm giao thông 24/24h; phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến mưa, lũ.

Tin liên quan