Toàn cảnh vụ TNGT thảm khốc ở Bình Thuận khiến 8 người chết. (Ảnh: Đức Văn)
|
Chiều 21/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc khắc phục hậu quả, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ.
Công điện nêu rõ, vào lúc 1 giờ ngày 21/7, Km1767 trên tuyến QL1A, thuộc địa phận xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã xảy ra vụ
TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa xe ô tô khách mang biển kiểm soát 86B - 010.87 của nhà xe Anh Trinh và xe tải mang BKS 79N - 0315 (tỉnh Lâm Đồng), làm chết 8 người, bị thương 7 người.
Công điện cũng nhấn mạnh, thời gian qua cũng liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Đơn cử như ngày 10/7 là vụ TNGT xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh làm chết 4 người; ngày 11/7 xảy ra vụ TNGT tại tỉnh Kon Tum làm chết 6 người, bị thương 35 người.
Riêng đối với vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh huy động các điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.
Khẩn trương xử lý hiện trường, điều tiết giao thông, sớm giải tỏa để thông xe nhanh nhất Khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tước uyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có thời hạn đối với doanh nghiệp quản lý nhà xe Anh Trinh (nhà xe có xe khách 6 chỗ BKS: 86B - 010.87 trong vụ tai nạn) theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của doanh nghiệp quản lý nhà xe Anh Trinh; xác định và xử lý trách nhiệm của Công ty đối với vụ tai nạn nêu trên.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Thuận tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm của lái xe tải, xe khách; tiếp tục khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng mất tấm chống lóa trên QL1A qua địa bàn tỉnh để xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Vĩnh Nhân)
|
Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô
Đối với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu có trách nhiệm chỉ đạo Công an tỉnh Bình Thuận và Công an các địa phương có xảy ra các vụ TNGT nghiệm trọng khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn và chất ma túy trong cơ thể lái xe để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xảy ra tình trạng lái xe có vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy.
Có phương án tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hoạt động trong thời gian từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau; trường hợp phát hiện lái xe vi phạm nồng độ cồn hoặc chất ma túy thì làm việc với các cơ quan có liên quan để thực hiện tạm đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe, chủ xe kinh doanh vận tải.
Đối với Bộ GTVT, Thủ tướng yêu cầu cùng với các Sở GTVT Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Kon Tum kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu phương tiện trong vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.
Đặc biệt, các địa phương này cần xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ xe) gây tai nạn nêu trên; kiểm tra điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến QL1, QL5, QL14, QL51, kịp thời cung cấp thông tin liên quan về hạ tầng, tổ chức giao thông, phương tiện và người lái gây tai nạn cho cơ quan công an để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn cũng như có biện pháp xử lý ngay các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường nêu trên.
Bộ GTVT cũng được giao nhiệm vụ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường giám sát thông tin qua thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các lực lượng của ngành Công an và Sở Giao thông vận tải để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe vi phạm; tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt tập trung vào các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với lái xe kinh doanh vận tải. Rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ, hướng dẫn lái xe an toàn.
Ngoài ra, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực để xử lý triệt để các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là các đoạn đường đèo dốc, xử lý ngay sự cố sạt lở, hư hỏng đường do mưa lũ gây ra; triển khai phương án khẩn cấp để lắp đặt dải phân cách giữa trên các tuyến đường có nguy cơ cao về xung đột giao thông; Nghiên cứu, bổ sung quy định điều kiện hành nghề đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải.