|
Giao thông trên QL1A |
Dòng người rời Hà Nội về quê đón Tết đã bắt đầu dịch chuyển từ nhiều ngày trước, nhưng đến hôm nay (23/1, tức 29 Tết), sự dịch chuyển này mới thật sự diễn ra rầm rộ và ồ ạt. Đây là lý do chính khiến các tuyến Quốc lộ (QL) và tỉnh lộ khu vực cửa ngõ Thủ đô nối liền các tỉnh, thành lân cận Hà Nội rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Giao thông “vỡ trận” trên QL1A
Trong nhiều năm gần đây, xu thế sử dụng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) để về quê đón Tết ngày càng phổ biến. Trong khi những người đi ô tô có nhiều tuyến đường để lựa chọn (cao tốc hoặc QL) thì người đi xe máy về các tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… gần như chỉ có duy nhất một lựa chọn, đó là QL1A. Vì thế, tuyến đường này liên tục rơi vào tình trạng quá tải trong những ngày giáp Tết. Và, hôm nay (29 Tết) thì QL1A thật sự đã bị “vỡ trận.
|
Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc, khăn gói quả mướp về quê đón Tết (Ảnh: Quý Nguyễn) |
Từ sáng sớm, hàng ngàn phương tiện đã đổ dồn về khu vực nút giao Giải Phóng – Nguyễn Hữu Thọ, đây là nút thắt đầu tiên và cũng là căng thẳng nhất ở khu vực cửa ngõ Thủ đô ra QL1A để về các tỉnh lân cận. Dòng dài phương tiện chen nhau kẹt cứng, di chuyển vô cùng chậm chạp, hướng thẳng về phía đường Ngọc Hồi. Tình trạng ùn ứ giảm dần khi đến gần cuối Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).
Đến đầu Thị trấn Thường Tín, đoạn qua phố Quán Gánh, tình trạng ùn tắc bắt đầu xuất hiện trở lại và trở nên nghiêm trọng hơn trước. Lâu nay, khu vực này được coi là “điểm đen” về tình trạng ùn tắc trên QL1A đoạn qua huyện Thường Tín. Nguyên nhân do mặt đường bị thu hẹp, hàng quán lấn chiếm vỉa hè trong khi có nhiều nút giao đổ về, là nơi tập trung lưu lượng phương tiện lớn.
|
Nhiều điểm tắc nghẽn trên QL1A do lưu lượng phương tiện quá đông (Ảnh: Quý Nguyễn) |
Điểm ùn tắc tại Quán Gánh kéo dài đến vài trăm mét trước khi được giải tỏa. Giao thông trên QL1A bình thường trở lại nhưng các phương tiện không thể di chuyển nhanh do lưu lượng quá lớn, cộng với việc các hàng quán, điểm bày bán cây cảnh, hoa Tết tràn ra chiếm lĩnh vỉa hè, lòng đường kéo dài suốt từ Thường Tín đến Thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên).
Trên cung đường từ Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) đến hết địa phận huyện Phú Xuyên, QL1A liên tục trải qua những điểm tắc nghẽn cục bộ. Hàng dài xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc chằng buộc phải chen chúc nhau trong khoảng không gian cực kỳ chật hẹp đến nghẹt thở. Ai nấy đề nhễ nhai mồ hôi bất chấp thời tiết Hà Nội đang giữa mùa đông giá rét.
|
Đường Nguyễn Xiển nối ra cửa ngõ Thủ đô cũng kẹt cứng người và xe (Ảnh: Quý Nguyễn) |
Tình hình cũng không khá khẩm hơn là bao khi tình trạng ùn tắc cục bộ cũng liên tục xảy ra. Đặc biệt là tuyến Tỉnh lộ 427 nối liền từ quận Hà Đông, chạy qua địa phận các huyện Thanh Oai, Thường Tín ra tới QL1A. Điểm ùn tắc nghiêm trọng nhất bắt đầu từ khu vực đi qua địa phận xã Trần Phú, kéo dài đến tận nút giao với QL1A.
Do lòng đường hẹp, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi bày bán cây cảnh, hoa Tết nên các phương tiện thường xuyên bị tắc nghẽn, đứng chôn chân chờ đợi nhau. Tại khu vực Thị trấn Thường Tín, một “chợ” bán đào, quất được mọc lên ngay bên đường, lấn chiếm xuống cả lòng đường làm cho không gian giao thông ở đây vốn chật chội lại ngàn nghẹt thở hơn.
|
Tỉnh lộ 427 cũng rơi vào tình trạng quá tải ((Ảnh: Quý Nguyễn) |
Rất may, tại đoạn đường này và tại nút giao ra QL1A lúc nào cũng phải có lực lượng chức năng cắm chốt để điều tiết, phân luồng giao thông nên tình trạng tắc nghẽn kéo dài không xảy ra. Các phương tiện có thể di chuyện chậm, vượt qua nút giao ra QL1A để tiếp tục tham gia giao thông bình thường.
|
Điểm nghẽn tại Thị trấn Thường Tín trên tỉnh lộ 427 (Ảnh: Quý Nguyễn)
|
Bến xe ổn định, nội đô thông thoáng
Trái ngược với sự đông đúc trên tuyến QL1A và các tuyến tỉnh lộ thì giao thông trong khu vực nội đô Hà Nội vẫn rất thông thoáng. Do nhiều người đã rời Hà Nội về quê đón Tết từ sớm (trong đó có một số lượng rất lớn là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng) nên sức ép lên giao thông ở Hà Nội đã được tiết giảm khá nhiều.
|
Các bến xe tương đối ổn định trong ngày cao điểm Tết (Ảnh: Quý Nguyễn) |
Sáng 29 Tết (tức 23/1), các tuyến đường trọng điểm như Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trường Chinh, Giải Phóng, Phạm Hùng… giao thông vẫn thương đối căng thẳng do đây là các trục đường dẫn ra cửa ngõ Thủ đô để về các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, tại các tuyến phố nội đô, đường phố đã thông thoáng hơn rất nhiều, thuận tiện cho người dân đi sắm Tết trước khi đón năm mới.
|
Người dân hối hả bắt xe khách về quê đón Tết (Ảnh: Quý Nguyễn) |
Tại các bến xe, tình trạng quá tải cũng không xảy ra. Phần lớn các bến xe đã có kế hoạch tăng chuyến để phục vụ người dân về quê đón Tết nên tình trạng khan vé, lộn xộn không xảy ra. Chỉ có điều, tại cổng các bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm… tình hình trật tự và ATGT vẫn rất lộn xộn do “đội quân” xe ôm và taxi thường xuyên quấy nhiễu.
|
Taxi và xe ôm |
Đặc biệt tại bến xe Giáp Bát, khu vực cổng xe vào bến lúc nào cũng có hàng chục taxi dừng đỗ ngay dưới lòng đường để mời chào, tranh giành khách. Có thời điểm, các xe taxi xếp thành hàng 3, hàng 4, lấn ra tận giữa đường Giải Phóng gây cản trở sự di chuyển của các phương tiện khác. Khu vực cổng bến xe luôn có lực lượng Công an ứng trực nhưng gần như không thấy xử phạt các xe taxi này.
|
Các nhà xe vội vã trả khách để |
Một vấn đề nhức nhối khác là tình trạng chênh lệch về nhu cầu giữa chiều đi và chiều về tại các bến xe ở Hà Nội những ngày này rất lớn đã nảy sinh những bất cập trong công tác vận tải hành khách của các nhà xe. Do nhu cầu đi lại của người dân chủ yếu tập trung ở chiều đi (từ Hà Nội đi các tỉnh) nên các nhà xe mở ra một cuộc chạy đua quyết liệt để giành khách.
|
Nghề chở hàng thuê trong bến xe nở rộ dịp cuối năm (Ảnh: Quý Nguyễn) |
Đặc biệt là chiều về (từ các tỉnh, thành về Hà Nội), khách thưa, xe vắng nên các nhà xe phóng với tốc độ rất lớn trên đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác. Khi về đến bến, các nhà xe cũng thường xua khách xuống nhanh để kịp “quay đầu” cho chuyến đi tiếp theo.
|
Thói quen sử dụng phương tiện cá nhân khiến giao thông thêm sức ép (Ảnh: Quý Nguyễn) |
Giáp đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, lượng khách về bến Giáp Bát cao nhất trong hai ngày 22 và 23/1 (tức 28 và 29 Tết). Đây cũng là dịp cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán năm nay. Tính đến thời điểm này lượng khách tăng khoảng 50 - 70% so với ngày thường. Bến xe Giáp Bát đã chủ động tăng cường xe chủ yếu cho các tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Ông Thành khẳng định, bến Giáp Bát cam kết không để hành khách thiếu xe về quê đón Tết.