Theo nội dung của dự án, trong năm đầu tiên, KiteAir sẽ khai thác 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Từ năm thứ 3 trở đi, hãng sẽ bổ sung thêm tàu bay A320/A321 hoặc tương đương. Số lượng này sẽ tăng dần qua các năm và nâng lên 25 tàu bay ở năm thứ 6. Tổng vốn đầu tư của dự án là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý là KiteAir lựa chọn khai thác dòng máy bay ATR trong những năm đầu khai thác mà chưa sử dụng ngay loại tàu bay A320/A321 hoặc tương đương vốn đang rất phổ biến hiện nay, trong khi phần lớn các hãng hàng không trong nước đã loại dòng máy bay ATR72 ra khỏi đội bay.
Lý giải cho lựa chọn này, KiteAir cho biết có 5 nguyên nhân: Hãng sẽ khai thác các đường bay nội địa, tập trung vào các đường bay nối trực tiếp các địa phương vốn dung lượng thị trường còn nhỏ, thu nhập người dân chưa cao.
Trong hồ sơ, Kite Air cũng khẳng định sẽ tự đảm bảo được nguồn nhân lực mà không giành giật, lôi kéo phi công (đặc biệt là phi công của Vietnam Airlines).
Trong năm đầu tiên khai thác, hãng chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đi đến các cảng hàng không địa phương như Điện Biên, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo.
Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh mới thành lập vào tháng 6/2019 nên chưa có báo cáo tài chính 2 năm gần nhất theo quy định tại Luật Đầu tư. Thay vào đó, hãng có văn bản đồng ý thu xếp tài trợ 4.500 tỷ đồng của Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng và thư cam kết của BNP Paribas tạm ứng cho Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh khoản vay lên tới 85% giá trị máy bay ròng.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, KiteAir sẽ hoàn tất các thủ tục để bắt đầu khai thác từ quý II/2020.